Chính phủ cần chỉ đạo xây dựng lại cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng, dầu

08:12 | 18/10/2022 Print
(LG) Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng lại cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng, dầu một cách hợp lý hơn để đảm bảo lợi ích người dân, doanh nghiệp, thương nhân đầu mối, xuất nhập khẩu, bán lẻ xăng, dầu.
Đảm bảo nguồn cung, điều hành hài hòa giá xăng, dầu Đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và 50% thuế GTGT với xăng, dầu

Chiều ngày 17/10, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 20/10 đến ngày 15/11/2022.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Quốc hội sẽ có ý kiến như thế nào với Chính phủ, các cơ quan chức năng để giải quyết câu chuyện giá xăng, dầu trong thời gian qua, tình trạng nhiều cây xăng đóng cửa hay bán cầm chừng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho hay, vấn đề xăng, dầu trong thời gian vừa qua gây ra nhiều bức xúc và khi đi tiếp xúc cử tri cũng nhận được nhiều ý kiến.

“Đây là vấn đề thuộc thẩm quyền điều hành giá bán lẻ xăng, dầu của Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Trong đó có nguyên nhân do giá xăng, dầu thế giới có biến động với biên độ lớn, trong khi chu kỳ điều hành giá xăng, dầu chưa phù hợp với chu kỳ giá cả thế giới.

Chính phủ cần chỉ đạo xây dựng lại cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng, dầu
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn trả lời tại cuộc họp báo. (Ảnh: Quốc hội)

Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng lại cơ chế điều hành giá bán lẻ một cách hợp lý hơn, vừa đảm bảo lợi ích người dân, doanh nghiệp, cũng như lợi ích của thương nhân đầu mối, xuất nhập khẩu, bán lẻ xăng, dầu.

Về xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng của xăng, dầu, theo ông Sơn, tại thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 6/7/2022 cũng đã đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu các nội dung liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu, trình Quốc hội xem xét quyết định khi giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao, ảnh hưởng đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng nền kinh tế.

“Đến nay Chính phủ chưa có tờ trình báo cáo Quốc hội về nội dung này. Khi Chính phủ có tờ trình, các cơ quan của Quốc hội sẽ xem xét thẩm tra, nếu đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp sớm nhất”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế thông tin.

Ông Sơn cho biết thêm, tại báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội trình Quốc hội tại Kỳ họp 4 tới đây, cũng đã đề cập đến vấn đề diễn biến giá xăng, dầu thời gian vừa qua.

Chính phủ cần chỉ đạo xây dựng lại cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng, dầu
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Quốc hội)

Theo dự kiến chương trình, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết, cho ý kiến 7 dự án Luật.

Đồng thời, tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước; xem xét Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý).

Tại Kỳ họp, Quốc hội cũng sẽ xem xét việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; xem xét, quyết định công tác nhân sự và xem xét, quyết định vấn đề quan trọng khác...

Phương Thảo

© Báo Tin tức - NetBiz