Đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

17:51 | 26/10/2022 Print
(LG) Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, cơ cấu hàng hóa chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Do đó, cần theo sát tình hình để kịp thời tham mưu, điều chỉnh phù hợp, hạn chế tác động tiêu cực và bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh.
Đà Nẵng: Từ nay đến quý 1/2023, dự kiến có 4 dự án căn hộ mở bán Giá nhà ngày càng xa tầm với người mua để ở Diễn biến thị trường bất động sản Đà Nẵng và vùng phụ cận quý 3/2022

Báo cáo của Bộ Xây dựng tại Hội nghị giao ban quý III/2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2022 cho thấy, ngay từ đầu năm 2022, Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ lớn, then chốt, có trọng tâm, trọng điểm để tạo chuyển biến tích cực, hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022.

Trong đó, đã khẩn trương ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thành lập Tổ công tác liên ngành do một đồng chí Thứ trưởng phụ trách, chủ động làm việc với các địa phương để thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Bộ Xây dựng: Phấn đấu đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh
9 tháng năm 2022, các địa phương đã khởi công được 17 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân với tổng số 31.230 căn hộ. (Ảnh minh họa: Bảo Thoa)

Bộ Xây dựng cũng phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội để hướng dẫn, triển khai cho vay hỗ trợ đối với các đối tượng. Tính đến nay, các giải pháp trên đã mang lại hiệu quả tích cực. Trong 9 tháng năm 2022, các địa phương đã khởi công được 17 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân với tổng số 31.230 căn hộ.

Tuy vậy, báo cáo của Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, việc sửa đổi các quy định của pháp luật và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá còn chậm. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát các hoạt động về đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch, kiến trúc còn hạn chế.

Bộ Xây dựng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới. Trước hết, các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng, nhà ở, phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản, hạ tầng kỹ thuật… có nội dung rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong khi sự phối hợp trong quá trình tham gia soạn thảo, góp ý đôi khi chưa chặt chẽ, khoa học, chưa thực sự hiệu quả, chưa bảo đảm thời gian theo yêu cầu.

Việc sửa đổi các quy định của pháp luật và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá còn chậm, chưa theo kịp với những bức xúc, vướng mắc trong thực tiễn. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát các hoạt động về đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch, kiến trúc còn hạn chế.

Chất lượng một số đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị tại một số địa phương chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc điều chỉnh quy hoạch chưa chặt chẽ. Nguồn vốn, thủ tục lập quy hoạch còn nhiều vướng mắc, khó khăn.

Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, còn chậm đổi mới. Công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về quy hoạch và phát triển đô thị còn thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ. Trình độ, năng lực của nhiều cán bộ, công chức, viên chức quản lý đô thị còn chưa theo kịp tình hình thực tế phát triển đô thị.

Tình trạng tăng giá vật liệu xây dựng, nguyên, nhiên liệu đầu vào và các nhà thầu xây dựng thiếu việc làm, thiếu nhân lực, thiếu vốn đang diễn ra phổ biến nhưng chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu để giải quyết. Các doanh nghiệp xây dựng chậm phục hồi sau đại dịch Covid-19, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao.

Thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.

Trong thời gian qua đã xuất hiện tình trạng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau để “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá” và gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường. Giá bất động sản tăng cao gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực.

Về nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị, các đơn vị tập trung xây dựng Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, lấy ý kiến từ chuyên gia, đối tượng chịu tác động; bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần tập trung triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ; thực hiện kiểm tra công tác quản lý nhà ở và thị trường bất động sản tại địa phương.

Với thị trường bất động sản còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục theo sát tình hình để kịp thời tham mưu, điều chỉnh phù hợp, hạn chế tác động tiêu cực và bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh.

Anh Tuấn

© Báo Tin tức - NetBiz