Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào mô hình kinh tế tuần hoàn

18:06 | 16/11/2022 Print
(LG) Kinh tế tuần hoàn đã tồn tại từ lâu trong nền kinh tế nông nghiệp truyền thống cũng như một số ngành tiểu thủ công nghiệp. Thế nhưng, để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn đa dạng và phát triển phù hợp với xu hướng của thế giới vẫn đang là bài toán khó đối với các nhà quản lý, các nhà kinh tế.
Có 10 quỹ đầu tư tham gia ngày hội khởi nghiệp năm 2022 tại Đà Nẵng Thúc đẩy ứng dụng blockchain trong hoạt động ngân hàng Đẩy mạnh tư vấn kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên

Còn nhiều thách thức và rào cản

Tại diễn đàn Diễn đàn Khởi nghiệp quốc tế: “Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khởi nghiệp tạo tác động”, ông Lương Nguyễn Duy Thông, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Do vậy, nếu khu vực này áp dụng kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp, đây sẽ là nguồn tài nguyên lớn có thể làm thay đổi nền kinh tế tuyến tính.

Tuy nhiên, theo ông Lương Nguyễn Duy Thông, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong các doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn một số hạn chế. Để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn cần phải xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ lẫn nhau. Nhưng đây lại là vùng trũng kinh tế, giao thông, năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế so với cả nước. Tỷ lệ thành lập doanh nghiệp tại một vài tỉnh còn thấp. Đây là rào cản khiến các doanh nghiệp gặp khó khi khởi nghiệp trong mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào mô hình kinh tế tuần hoàn
Một doanh nghiệp nhỏ ở Đan Phượng (Hà Nội) làm các sản phẩm tái chế từ gỗ. (Ảnh: Lương Hằng)

Theo Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Tháp, doanh nghiệp cần các cơ chế cần tập trung vào 5 vấn đề để “khuyến khích” khởi nghiệp với kinh tế tuần hoàn. Thứ nhất là trí lực. Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp startup hầu như vẫn rất ít kiến thức về kinh tế xanh để tận dụng các cơ hội từ các FTA thế hệ mới cũng như các quy định về môi trường tại các thị trường lớn hiện nay. Vì vậy, cần trang bị và cung cấp thêm các thông tin, cũng như mở lớp đào tạo để các doanh nghiệp này có kiến thức để ứng dụng tốt hơn mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động kinh doanh.

Thứ hai là vật lực. Các cơ chế để liên kết các doanh nghiệp với nhau sẽ tạo thành vật lực tốt để xây dựng một chuỗi tuần hoàn. Thứ ba là tài lực, đó là cơ chế tiếp cận tài chính để áp dụng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thứ tư là năng lực, bản thân nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trình độ tri thức, quản trị doanh nghiệp, tiếp cận thị trường. Thứ năm là động lực. Cần xây dựng các cơ chế tạo động lực cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi tuần hoàn, thực hiện đổi mới sáng tạo để áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Cùng với các rào cản mà ông Lương Nguyễn Duy Thông, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết các khó khăn như sản phẩm tái chế không còn giữ được chất lượng như nguyên liệu thô điển hình. Việc duy trì nguồn cung nguyên vật liệu thứ cấp là một rào cản lớn, đặc biệt đối với những quốc gia có tỷ lệ thu gom và phân loại rác thải tại nguồn thấp. Một số doanh nghiệp khó khăn khi thay đổi quy trình sản xuất truyền thống để sản xuất vật liệu tái chế. Và còn một rào cản nữa là nhu cầu của thị trường vẫn chưa “quen” với việc sử dụng sản phẩm tái chế vì nhiều lý do.

Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững, VCCI nêu thêm 3 thách thức, thứ nhất là chi phí, bởi việc triển khai các sáng kiến kinh doanh tuần hoàn luôn đòi hỏi một khoản chi phí đôi khi là rất lớn và không dễ huy động từ các nguồn đầu tư. Thứ hai là năng lực sáng tạo và tiếp nhận công nghệ. thứ ba là khả năng liên kết sản xuất theo chuỗi.

Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào mô hình kinh tế tuần hoàn
Gạch lát được làm từ rác thải, nhựa tái chế. (Ảnh: BTC)

“Đặc biệt, đối với các bạn doanh nghiệp khởi nghiệp thì việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất, kinh doanh tuần hoàn chính là động lực và là cơ hội để sáng tạo, thiết kế, tìm ra cách đi mới, ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới để đi tắt, đón đầu xu thế. Về việc liên kết xây dựng chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, điều này rất cần thiết cho khởi nghiệp tạo tác động kinh doanh tuần hoàn. Rác thải của công ty A lại là nguyên liệu đầu vào tạo sản phẩm cho công ty B, và cứ thế vòng tuần hoàn tiếp diễn tạo nên một nền kinh tế tuần hoàn”, ông Nguyễn Tiến Huy lý giải.

Là giải pháp phát triển kinh tế gắn với tiến bộ xã hội

Tuy đối diện với những cản trở to lớn, nhưng mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn là hướng đi mang tính tất yếu, đặc biệt khi nền kinh tế đang phải đối mặt với vấn nạn khủng hoảng rác thải và tiêu chuẩn tiêu dùng ngày càng đề cao tính bền vững.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh cho biết, trong những năm qua, VCCI và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tăng cường hợp tác về triển khai các hoạt động liên quan đến kinh doanh liêm chính, tạo sự bền vững cho doanh nghiệp. Trong đó, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, trong thời gian qua, VCCI cũng đã liên tiếp đưa kinh tế tuần hoàn là một những nội dung chính trong những chương trình lớn như Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững được tổ chức liên tiếp từ năm 2017 cho đến nay.

Trong bối cảnh hướng tới mục tiêu đạt được các mục tiêu cam kết mạnh mẽ tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã hành động rất nhanh chóng và quyết liệt với việc ban hành Quyết định 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trên cơ sở nâng cao nhận thức, chủ động, phát huy đổi mới sáng tạo và trách nhiệm của doanh nghiệp. Việc phát triển các chỉ số về kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và sản xuất có trách nhiệm cũng đã có trong Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) được công bố và ứng dụng trong đánh giá doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam hàng năm.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, kinh tế tuần hoàn không chỉ tạo ra nhiều cơ hội về tiền bạc, mà còn tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới với hàng triệu việc làm. Đây cũng là giải pháp phát triển kinh tế gắn với nâng niu, bảo tồn môi trường và đảm bảo tiến bộ xã hội. Đồng thời cũng là sứ mệnh của doanh nghiệp Việt Nam trong thế kỉ 21 khi tạo ra giá trị mới cho xã hội. Chính vì vậy, các doanh cần khởi nghiệp gắn với mô hình kinh doanh bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh và tăng trưởng bền vững.

Bảo Thoa

© Báo Tin tức - NetBiz