Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đưa sản phẩm make in Viet Nam ra toàn cầu

20:41 | 07/12/2022 Print
(LG) Hiện nay, việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài đang là định hướng của nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Các doanh nghiệp đang vươn ra thị trường nước ngoài rất mạnh mẽ cả về quy mô hiện diện và tốc độ tăng trưởng.
Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số Tích hợp, áp dụng công nghệ số nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Dẫn đầu xu hướng là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, FPT. Các doanh nghiệp lớn có đủ tiềm lực đã đầu tư trực tiếp để phát triển mạnh mẽ tại thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu lựa chọn phương thức triển khai theo dự án cụ thể. Đây là bước tiến khởi đầu tốt để các sản phẩm, giải pháp phần mềm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường khu vực và tiến ra thế giới.

Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đưa sản phẩm make in Viet Nam ra toàn cầu
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: internet)

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 4 năm 2022, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết có 1.400 doanh nghiệp Việt Nam đã có sản phẩm Make in Viet Nam đi ra toàn cầu. Tuy nhiên, việc hỗ trợ của nhà nước cho các doanh nghiệp ra toàn cầu vẫn còn ít. Sắp tới, Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông sẽ xúc tiến các hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp có sản phẩm đi ra nước ngoài.

Cách đây 10 - 15 năm, đa phần doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chỉ thực hiện một số chi tiết, công đoạn theo đặt hàng thì theo thống kê đến nay đã có 50 - 60% doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thực hiện toàn bộ sản phẩm, xây dựng các phần mềm theo đặt hàng, giải quyết trọn vẹn các bài toán của các khách hàng nước ngoài.

Đối với lĩnh vực phần mềm, ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết doanh thu của lĩnh vực đạt khoảng 2,2 tỷ USD. Trong khi đó, lĩnh vực phần cứng như sản xuất chip chỉ có một số quốc gia làm được nhưng hệ sinh thái vi mạch điện tử Đông Nam Á đang phát triển nhanh như Singapore, Thái Lan làm sản xuất đóng góp trong chuỗi giá trị phần cứng. Đây cũng được xem là cơ hội phù hợp để Việt Nam tham gia.

Để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đưa sản phẩm Make in Viet Nam ra toàn cầu, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 4 năm 2022 với chủ đề: Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Diễn đàn sẽ được tổ chức vào ngày 8/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Trước đó, Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2019. Diễn đàn đã đưa cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sang một giai đoạn mới - đó là Make in Viet Nam.

N.Hoa

© Báo Tin tức - NetBiz