Chuyển đổi số để bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản Nâng cao năng lực chuyển đổi số trong ngành Giáo dục Tiêu dùng số - góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Thực tế cho thấy, chuyển đổi số đang là yêu cầu bắt buộc, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng doanh nghiệp đứng vững và phát triển, đặc biệt là sau mấy năm bị ảnh hưởng và tác động của đại dịch Covid-19. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực quản trị, phát triển ổn định và bền vững hơn. Nếu thực hiện thành công chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ có năng lực cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng vượt trội so với các doanh nghiệp còn lại.

Phát biểu tại Diễn đàn Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang ngày càng đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình phát triển của mỗi quốc gia; Đảng và nhà nước Việt Nam cũng đã khẳng định chủ trương này tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, nhằm hướng đến mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu thì đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tích hợp, áp dụng công nghệ số nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp
Diễn đàn Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số. (Ảnh: Hạnh Lê)

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, trong quá trình phát triển hiện nay, việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số có một ý nghĩa hết sức quan trọng, khi mà hơn 800 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa, những đơn vị kinh tế linh hoạt, cần khả năng thích ứng cao, cần không ngừng nâng cao năng lực để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người, ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất kinh doanh và các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Điều này buộc các nhà sản xuất và người tiêu dùng phải thay đổi và thích ứng.

Vì vậy, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, là phương thức hữu hiệu giúp doanh nghiệp đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới.

Để đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đi vào thực chất, hiệu quả, có sức lan tỏa thì ngoài sự tham gia của Bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực và đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức thì còn cần sự chung tay của toàn xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp để triển khai mạnh mẽ các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh thông qua việc áp dụng công nghệ số. Dự kiến, nền kinh tế số của Việt Nam đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng 29%/năm.

Tuy nhiên, việc nền kinh tế Việt Nam có thể tận dụng và nắm bắt cơ hội từ quá trình số hóa và chuyển đổi số nhanh chóng đang diễn ra phụ thuộc vào việc thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nhân lực số. Đây cũng là nhiệm vụ đầy thách thức cho cả Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Về chuyển đổi số doanh nghiệp, hiện nay, cả nước có khoảng gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 97% doanh nghiệp tư nhân ở quy mô nhỏ và vừa, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp tới 45% GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số không diễn ra một sớm một chiều và có không ít những khó khăn trong quá trình triển khai đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo báo cáo phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Forrester (Mỹ), chỉ có 11% doanh nghiệp thành công trong quá trình chuyển đổi số, 89% doanh nghiệp còn lại lạc lối trong quá trình chuyển đổi số. Bốn lý do chính đó là: Nhận thức sai lầm, không gắn kết được lợi ích của chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh, thiếu nguồn lực cần thiết và thiếu hệ sinh thái số thuận lợi.

Nhìn chung, các thách thức phổ biến mà doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp trong quá trình chuyển đổi số vẫn là các vấn đề về: Nhận thức và sự cam kết của lãnh đạo đối với chuyển đổi số, lựa chọn công nghệ và sự sẵn có hệ sinh thái số cần thiết, con người và năng lực triển khai của tổ chức, cùng với những thách thức về nguồn lực.

Trong quá trình đó, nhận thức và năng lực của doanh nghiệp về chuyển đổi số là vô cùng quan trọng. Để thành công, doanh nghiệp cần được cung cấp đầy đủ thông tin để hiểu đúng và lựa chọn cho mình chiến lược và lộ trình chuyển đổi số hiệu quả.

Về định hướng, cần phải khẳng định, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp là quan trọng nhất. Chiến lược chuyển đổi số là một phần của chiến lược kinh doanh. Chuyển đổi số phải được thực hiện dựa trên với năng lực và thực trạng của doanh nghiệp và phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu thực hiện chuyển đổi số mà doanh nghiệp khó khăn hơn trong vận hành, kết quả kinh doanh chậm được cải thiện thì chưa thể coi là thành công.

Bảo Thoa