Sửa Luật Đất đai: Cơ quan định giá đất phải độc lập

06:21 | 14/03/2023 Print
(LG) Dự thảo Luật được xây dựng công phu, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, kế thừa các quy định pháp luật trước đây, xử lý nhiều bất cập trong lĩnh vực đất đai.
Luật Đất đai (sửa đổi) là tiền đề giúp doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất công bằng Thu hồi đất: Bồi thường phải bảo đảm bằng hoặc tốt hơn nơi cũ 28 bộ ngành, địa phương lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai

Tạo điều kiện để người dân tham gia đóng góp ý kiến

Đây là ý kiến của GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), do Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức.

GS.TS Hoàng Thế Liên đánh giá, Dự thảo Luật được xây dựng công phu, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, kế thừa các quy định pháp luật trước đây, xử lý nhiều bất cập trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, đây là dự án luật quan trọng, phạm vi tác động lớn, nên cần đầu tư công sức nhiều hơn nữa để hoàn thiện dự án luật này.

Trước hết cần nhấn mạnh đến quyền chủ sở hữu đất đai của toàn dân, cần nêu rõ người dân quyền giám sát, quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý khi có sai phạm, quyền tham gia ý kiến đối với các vấn đề quy hoạch, điều chỉnh địa giới hành chính… tạo điều kiện để người dân tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề quan trọng đúng theo vai trò của người chủ sở hữu.

Sửa Luật Đất đai: Cơ quan định giá đất phải độc lập
Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Bên cạnh đó, cần nêu rõ hơn nữa quyền của cơ quan đại diện của dân, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, khả thi của văn bản luật. Đặc biệt trong các vấn đề cụ thể như quy hoạch, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Cần quy định rõ quyền hạn, nhiệm vụ cho đúng cơ quan có thẩm quyền, cần có cơ chế kiểm soát mạnh mẽ để ngăn chặn tiêu cực nảy sinh.

Theo GS.TS Võ Khánh Vinh, thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, đến thời điểm này, dự thảo Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra từ cách tiếp cận nội dung và thể thức trình bày.

GS.TS Võ Khánh Vinh cho rằng, cần bám sát quy định Hiến pháp và Nghị quyết số 18-NQ/TW để hoàn thiện quy định về nguyên tắc của Luật Đất đai áp dụng xuyên suốt của Luật này. Đồng thời, cần quan tâm đến nội dung kiểm soát quyền lực trong đất đai vì trong thực tế, tham nhũng liên quan đến đất đai chiếm đến 70%...

Cơ quan định giá đất là cơ quan độc lập

PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ nhiệm khoa Pháp luật Kinh tế, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội góp ý, để đảm bảo sự công bằng và phúc đáp quyền lợi cho người có đất bị thu hồi, nên sửa quy định tại khoản 3 Điều 81 như sau: “Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi theo giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân (UBND) cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”.

Sửa Luật Đất đai: Cơ quan định giá đất phải độc lập
Các đại biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần xác định cơ quan định giá đất cấp tỉnh là cơ quan độc lập với UBND cấp tỉnh, có nhiệm vụ định giá và quản lý giá. Trong quá trình xác định giá đất cụ thể cần quy định trách nhiệm bắt buộc cơ quan định giá phải thuê đơn vị có chức năng tư vấn xác định giá đất cụ thể. Việc xác định giá phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai, áp dụng phương pháp định giá phù hợp...

Quy trình lập quy hoạch rất chặt chẽ, khoa học, tuy nhiên việc điều chỉnh quy hoạch lại thường diễn ra manh mún là ý kiến của TS.Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Vì vậy, ông Quân cho rằng, Luật cần quy định rõ, chỉ điều chỉnh quy hoạch do nguyên nhân, mục đích an ninh quốc phòng, quốc gia, công cộng, hoặc trong điều kiện bất khả kháng, không điều chỉnh quy hoạch một cách bừa bãi, mà cần quy định chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả công tác quy hoạch, phát huy mạnh mẽ tiềm lực của tài nguyên đất đai...

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho răng, Luật Đất đai là dự án luật phức tạp, phạm vi ảnh hưởng lớn, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tích cực tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu để đảm bảo Dự thảo Luật đạt chất lượng cao nhất.

Trong đó, vấn đề thu hồi đất, việc phân định các trường hợp thu hồi là tương đối phức tạp. Ở từng thời kỳ, với những định hướng quản lý khác nhau, đối tượng và nhu cầu bồi thường, tự thỏa thuận cũng khác nhau. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các đại biểu về vấn đề này.

© Báo Tin tức - NetBiz