Khoảng trống pháp lý xử lý nợ xấu

09:11 | 15/07/2022 Print
Mới đây, TS Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia dự báo nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ được đẩy lên mức 2% và nợ xấu gộp ở mức khoảng 6%.
Các yếu tố tác động đến nợ xấu tại Việt Nam năm 2022Áp lực lạm phát
Khoảng trống pháp lý xử lý nợ xấu
Nợ xấu nội bảng hệ thống ngân hàng có thể lên mức 2%. Ảnh: LD

“Mặc dù hiện nay nợ xấu nội bảng chỉ đang ở mức khoảng 1,4% nhưng tháng 6 vừa qua Thông tư 14 đã hết hiệu lực. Nếu như thông tư này không được gia hạn thì những khoản lẽ ra không phải chuyển nhóm nợ sẽ phải chuyển nhóm. Như vậy thì đương nhiên nợ xấu sẽ tăng” - chuyên gia Cấn Văn Lực nói.

Đồng thời, ông Lực cũng cho rằng, nếu không sớm luật hóa Nghị quyết 42 (Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng) thì sẽ tạo ra khoảng trống rất lớn về pháp lý, gây khó khăn hơn nữa trong xử lý nợ xấu.

Bởi thứ nhất, ông Lực cho rằng Nghị quyết 42 đã phát huy hiệu quả tốt trong thời gian qua, nhờ đó bức tranh nợ xấu giảm rõ rệt. Đặc biệt, nếu không có dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 và 2021 thì “sứ mệnh” của Nghị quyết 42 đã đưa nợ xấu gộp xuống dưới 3% đã hoàn thành cuối năm 2020.

Lý do thứ hai, TS Cấn Văn Lực cho rằng trong thời gian thực hiện Nghị quyết 42 vẫn còn tồn đọng một số vướng mắc trong xử lý nợ xấu phải thực hiện trước 31.12.2023. Sau đó, khi luật hóa xử lý nợ xấu thì phải lưu ý các vướng mắc đó để không lặp lại.

Thứ ba, vị chuyên gia nhận định nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành ngân hàng và có xu hướng gia tăng. Ngoài ra, ông Lực cũng cho rằng làm nghề kinh doanh tiền tệ luôn đi kèm là rủi ro, tiềm ẩn nợ xấu. Vì thế các ngân hàng nước ngoài thường chấp nhận tỉ lệ nợ xấu khoảng 2-3%. Nợ xấu liên tục xảy ra, không phải chỉ xuất hiện trong thời kỳ kinh tế khó khăn do đó chuyên gia cho rằng cần phải có một khung pháp lý cho việc xử lý nợ xấu, không để nợ xấu cộng dồn, tích tụ tạo nên những nguy cơ, những điểm tắc nghẽn cho kinh tế quốc gia.

Thứ tư, ông Lực cho rằng việc luật hoá Nghị quyết 42 góp phần hoàn thiện thể chế, tăng tính hiệu lực, hiệu quả cho pháp luật. Nếu không luật hóa xử lý nợ xấu, quay trở về dùng những luật cũ như Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp sẽ dẫn đến việc lúng túng và chồng chéo. Qua khảo sát kinh nghiệm quốc tế, TS Cấn Văn Lực nhận thấy ở các nước khác không cần có luật riêng về xử lý nợ xấu nhưng luật pháp của họ rất mạnh, tính hiệu lực, hiệu quả rất rõ rệt. Trong khi đó, theo nhận định của vị chuyên gia, hệ thống luật pháp của Việt Nam còn chồng chéo và tính hiệu lực, hiệu quả của các bộ luật liên quan không cao. Chính vì vậy, Việt Nam cần xây dựng giải pháp đặc thù như Nghị quyết 42.

Cuối cùng, việc luật hoá Nghị quyết 42 sẽ góp phần khắc phục bất cập, tăng hiệu quả xử lý nợ xấu, qua đó giúp tăng nguồn lực và tiết giảm chi phí cho hệ thống tổ chức tín dụng, các bên liên quan cũng như phát triển nền kinh tế.

Liên quan đến lộ trình luật hóa Nghị quyết 42, TS Cấn Văn Lực đề xuất hai bước. Trong đó, bước đầu tiên như Quốc hội đã phê duyệt, Nghị quyết 42 cần được gia hạn đến 31.12.2023. Như vậy từ nay đến trước thời điểm đó, các đơn vị liên quan phải chuẩn bị các bước để luật hóa xử lý nợ xấu không tạo ra khoảng trống pháp lý. Sau đó, bước thứ hai song song với quá trình chuẩn bị luật hóa, các đơn vị liên quan cần tháo gỡ, xử lý các vướng mắc. Sau đó, việc luật hóa xử lý nợ xấu cần xây dựng theo hướng phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế. TS Cấn Văn Lực đề ra hai phương án, trong đó cần có bộ luật riêng về xử lý nợ xấu hoặc có một chương trong Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Theo Trí Minh/laodong.vn

https://laodong.vn/kinh-doanh/khoang-trong-phap-ly-xu-ly-no-xau-1068442.ldo

© Báo Tin tức - NetBiz