Áp lực lạm phát
Hóa giải áp lực lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng Lãi suất huy động tăng trước áp lực lạm phát và cạnh tranh vốn |
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân sáu tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 1,25%. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia có lạm phát thấp nhất thế giới nhưng rủi ro lạm phát rất khó lường.
Bất an với giá xăng dầu
Giá xăng dầu đang là tác nhân chính gây ra lạm phát trên toàn cầu và ở trong nước, giá bán lẻ xăng dầu neo cao cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến CPI sáu tháng đầu năm tăng cao nhất hai năm gần đây.
Tổng cục Thống kê cho biết, bình quân quý II/2022, giá xăng dầu trong nước tăng 54,92% so cùng kỳ, tác động làm CPI chung tăng 1,98 điểm phần trăm. Bình quân sáu tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so cùng kỳ, tác động làm CPI chung tăng 1,87 điểm phần trăm. Sáu tháng đầu năm, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã có 16 đợt điều chỉnh và thiết lập kỷ lục mới, vượt mốc lịch sử 30.000 đồng/lít từ ngày 23/5.
“Theo tính toán của chúng tôi, giá xăng dầu tăng 10% sẽ tác động làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm, GDP giảm 0,5 điểm phần trăm. Khoảng 1,52% tiêu dùng của người dân là chi tiêu cho xăng dầu, cho nên giá xăng dầu tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân, tác động tới nhiều ngành sản xuất và chắc chắn sẽ gây áp lực lớn với lạm phát thời gian tới”, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Thống kê giá, Tổng cục Thống kê phân tích.
Hiệu ứng giá xăng dầu neo ở mức cao đã tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khoảng một nửa số lượng tàu cá trong cả nước đã phải nằm bờ vì giá dầu diesel tăng cao làm chi phí khai thác thủy sản bị đội lên 35-48% nhưng giá bán đầu ra lại không tăng đáng kể. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê, sản lượng cây trồng, sản lượng khai thác thủy sản quý II ước giảm 3,7% so cùng kỳ do giá xăng dầu tăng cao, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung phục vụ tiêu dùng, chế biến xuất khẩu trong thời gian tới cũng như công tác bảo vệ và khẳng định chủ quyền trên biển.
Bão giá xăng dầu cũng đe dọa sự phục hồi mạnh mẽ của ngành vận tải hàng không do giá nhiên liệu bay ở thời điểm hiện tại đã tăng gấp đôi so cùng kỳ. Chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến bay đã vọt lên gần 50% tổng chi phí khai thác so với mức thông thường là từ 25% đến 30%, khiến hãng hàng không lo ngại thu không đủ chi. Sáu tháng đầu năm nay, các ngành dịch vụ, bao gồm hàng không và du lịch trở thành một trong những động lực chính đóng góp vào mức tăng trưởng GDP chung nhưng đà phục hồi của thị trường có thể bị “bẻ gãy” nếu bài toán giá nhiên liệu không sớm có lời giải.
Chi phí sinh hoạt tăng chóng mặt khiến cho đời sống của người dân càng thêm khó khăn sau hơn hai năm giảm thu nhập do tác động của đại dịch Covid-19. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định: Đây là giai đoạn khó khăn nhất cho doanh nghiệp và người dân. Mặt bằng giá mới đã hình thành với biên độ tăng giá thấp nhất từ 5% đến 10%, có mặt hàng tăng giá từ 25% đến 30%, thậm chí tăng gấp đôi. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần hết sức quan tâm đến biến động giá cả của các mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt lợn, rau, dầu ăn, đường, sữa… dùng cho bữa ăn hằng ngày của các gia đình.
Theo Tổng cục Thống kê, trước năm 2019 thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, nhưng xu hướng này đã đảo chiều từ năm 2020. Kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2021 được cơ quan này công bố ghi nhận thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 4,2 triệu đồng/người/tháng, giảm 1,1% so năm trước, tốc độ giảm ở khu vực thành thị nhiều hơn so với khu vực nông thôn.
Cảnh báo sớm để phòng ngừa lạm phát cao
Yếu tố xăng dầu cũng mới chỉ tác động làm tăng lạm phát ở vòng 1 thông qua chi phí cho giao thông, sắp tới sẽ tác động vòng 2, vòng 3 vào giá lương thực thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng. Cũng như phản ứng chính sách của nhiều quốc gia đang đối mặt với lạm phát cao, các giải pháp kiềm chế lạm phát ở Việt Nam đang được hướng đến sử dụng công cụ thuế để kiềm chế tăng giá xăng dầu trong nước.
Hiện thuế, phí chiếm khoảng 35% cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu. Trong đó, thuế suất thuế bảo vệ môi trường đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết điều chỉnh giảm từ 50% đến 70% trong khung thuế hiện hành từ ngày 1/4. Ngày 6/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên bất thường thông qua nghị quyết giảm kịch sàn thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, mỡ nhờn từ ngày 11/7 đến hết ngày 31/12/2022, giúp giá bán lẻ xăng dầu giảm thêm 500 đồng đến 1.000 đồng trong kỳ điều hành giá sắp tới.
Trong thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bên liên quan về dự thảo Nghị định của Chính phủ về giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng từ mức 20% xuống 12%. Song các chuyên gia kinh tế cho rằng, dư địa lớn nhất để hạ nhiệt giá bán lẻ xăng dầu là giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (xăng E5 là 8%, xăng E10 là 7%) và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu (đang áp dụng mức 10%) như một giải pháp đánh đổi để tạo nguồn thu trong tương lai.
Hai sắc thuế này thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nếu làm theo quy trình thông thường sẽ phải chờ đến kỳ họp tháng 10 mới trình Quốc hội xem xét trong khi áp lực lạm phát đang rất nóng, sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp đã tới hạn.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, kiềm chế lạm phát đang là vấn đề cấp bách, cần có ngay giải pháp quyết liệt miễn, giảm thuế với mức đủ lớn để giảm giá xăng dầu.
Qua đó thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước đối với khó khăn của người dân và doanh nghiệp, đồng thời tạo niềm tin cho xã hội về định hướng điều hành tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Quốc hội có thể triệu tập kỳ họp bất thường để quyết nghị việc miễn, giảm thuế xăng dầu hoặc giao Chính phủ điều hành chính sách, công cụ thuế đối với xăng dầu thay vì chờ đến tháng 10.
Mặc dù con số thống kê cho thấy lạm phát của nền kinh tế nửa đầu năm 2022 vẫn ở trong tầm kiểm soát nhưng hiện nay, các yếu tố trong-ngoài đều có tác động làm gia tăng lạm phát những tháng cuối năm. Tác động từ bên ngoài, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao nên không thể tránh khỏi nhập khẩu lạm phát thông qua ảnh hưởng tăng giá nhiên, nguyên vật liệu thế giới với độ trễ được dự báo sẽ bắt đầu từ quý III/2022 và kéo dài đến năm 2023.
Ở trong nước, yếu tố hỗ trợ kiềm chế CPI sẽ yếu đi vì giá lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng trong các tháng cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng của người dân trở lại như thời gian trước khi đại dịch diễn ra. Các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân và tăng cường kiểm soát các khâu trung gian, lưu thông trên thị trường nhằm ổn định giá. Bên cạnh đó, không điều chỉnh giá các dịch vụ công theo lộ trình, đặc biệt là việc áp dụng khung học phí các cấp học của công lập theo Nghị định 81 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí.
Bên cạnh những cảnh báo về nguy cơ không đạt mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng CPI cả năm 2022 khoảng 4%, nhiều tổ chức nghiên cứu, chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan tin tưởng lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, dù chịu áp lực lớn từ cú sốc giá xăng dầu và nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính (Học viện Tài chính), nếu lạm phát trung bình cả năm vượt mức 4% thì lạm phát trung bình sáu tháng cuối năm phải cao hơn 5,56%, tương đương mức tăng trung bình hơn 0,7%/tháng.
Xác suất xảy ra kịch bản này không cao vì ngay cả khi giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu tăng mạnh trong sáu tháng đầu năm, CPI mới chỉ tăng trung bình khoảng 0,5%/tháng. Cuối năm, giá xăng dầu và giá nhiều nguyên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh với tần suất cao. Kịch bản nhiều khả năng xảy ra hơn là lạm phát trung bình cả năm sẽ ở mức dưới 3,5%.
Gióng lên hồi chuông cảnh báo sớm ngay từ khi có dấu hiệu lạm phát cao quay trở lại để Chính phủ, Quốc hội có biện pháp xử lý hiệu quả là cần thiết trong bối cảnh “bóng ma” lạm phát đang đe dọa giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào bên ngoài. Nhắc lại giai đoạn lạm phát tăng phi mã trong các năm 2009-2011 để lại hệ luỵ trong thời gian dài,
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, kiểm soát lạm phát ngay từ tốc độ tăng giá các mặt hàng thiết yếu, kiểm soát đầu cơ, thực hiện bình ổn giá dịch vụ công, bảo đảm an sinh xã hội cho những đối tượng khó khăn… chính là phòng ngừa. Nếu bỏ lỡ cơ hội, để chuyển sang giai đoạn phải tăng lãi suất, thu hẹp cung tiền thì sẽ chuyển sang giai đoạn “chữa bệnh” bằng các biện pháp mạnh hơn và khi đó, nền kinh tế có thể phải trả giá đắt với biểu hiện suy giảm hoặc tăng trưởng dưới tiềm năng.
Theo nhandan.vn
Bình luận