Nguồn cung khan hiếm, phân khúc căn hộ bình dân tại TP.HCM tăng giá

14:49 | 18/08/2022 Print
(LG) Xét về mặt bằng giá rao bán, trong 7 tháng đầu năm 2022, tất cả các phân khúc căn hộ tại thành phố Hồ Chí minh (TP.HCM) đều tăng giá so với cùng kỳ 2021.
TP.HCM: Xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng để tăng giá bất hợp lý TP.HCM: Kiểm tra an toàn các cầu tàu tại bến Bạch Đằng Hơn 260 gian hàng đăng ký dự hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM

Theo dữ liệu mới nhất của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm bất động sản tại TP.HCM trong 7 tháng đầu năm nay tăng nhẹ 7%, lượng tin đăng bất động sản cũng tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhu cầu tìm mua nhà mặt phố và biệt thự liền kề tăng lần lượt 18% và 9%. Lượng tìm thuê văn phòng, nhà mặt phố, chung cư, nhà riêng đều tăng đáng kể, với mức tăng lần lượt là 122%, 61%, 35%, 16%. Đây là những loại hình bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực và hoạt động kinh doanh, sản xuất của người dân.

Cũng là một loại hình bất động sản phổ biến, phục vụ nhu cầu ở thực nhưng căn hộ chung cư lại có nhu cầu tìm mua giảm 3% trong 7 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước. Theo tìm hiểu, hiện có khoảng 10 dự án mới mở bán tại TP.HCM và các tỉnh xung quanh, tỷ lệ hấp thụ hầu hết không vượt qua mức 50% nguồn hàng.

Xét về mặt bằng giá rao bán, trong 7 tháng đầu năm nay, tất cả các phân khúc căn hộ TP.HCM đều tăng giá so với cùng kỳ 2021, tăng cao nhất ở phân khúc bình dân (8%), sau đó là trung cấp (5%) và cao cấp (4%). Trong đó, Khánh Hòa và Long An là 2 tỉnh hiếm hoi có mức độ quan tâm và lượng tin đăng bất động sản đều tăng. Cụ thể, mức độ quan tâm và lượng tin đăng của Khánh Hòa tăng lần lượt là 17% và 56%, chỉ số này của Long An tăng lần lượt là 11% và 66%.

Nguồn cung khan hiếm, phân khúc căn hộ bình dân tại TP.HCM tăng giá

Lượng tin đăng tăng và mức độ quan tâm giảm tại nhiều tỉnh so với 7 tháng 2021.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn, cho hay, phân khúc nhà phố dưới 15 tỷ đồng, cho thuê nhà mặt phố và cho thuê chung cư đang và sẽ tiếp tục có mức độ quan tâm cũng như thanh khoản tốt. Đặc biệt, việc kiểm soát tín dụng vẫn đang ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay và tạo áp lực cho người mua nhà.

Còn theo báo cáo của Công ty CBRE Việt Nam, sau đại dịch, bất động sản nhà ở vẫn được xem là kênh đầu tư bền vững cho các nhà đầu tư trung và dài hạn tại TP.HCM. Sau một quý trầm lắng với dưới 900 căn chào bán mới, thị trường chứng kiến nguồn cung mới tăng vọt trong quý 2/2022. Nguồn cung mới bùng nổ với 15.528 căn từ 12 đợt mở bán mới, vượt qua tổng nguồn cung mới của cả năm 2021.

Do ảnh hưởng của việc tăng giá ở khu vực ngoài trung tâm, giá sơ cấp trung bình tại TP.HCM dự kiến tăng trưởng 4%/năm trong giai đoạn 2021 - 2024 do giá các nguồn cung mới đều nằm ở mức đầu của phân khúc cao cấp hoặc hạng sang. Nguồn cung căn hộ trung cấp và bình dân trong tương lai tiếp tục đến từ các địa phương vệ tinh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và xa hơn.

Trong quý 2/2022, thị trường nhà phố/biệt thự TP.HCM ghi nhận 326 căn chào bán mới, tăng 16,4% theo quý và 236,1% theo năm. Nhà phố chiếm 41% tổng nguồn cung mới trong khi tỷ trọng của biệt thự là 59%. Thị trường không ghi nhận nguồn cung mới của nhà phố thương mại trong 6 tháng đầu năm 2022. Tính đến hết quý 2/2022, thị trường đạt tỷ lệ bán tích lũy là 97,2%, duy trì ổn định so với quý 2/2021.

Nguồn cung khan hiếm, phân khúc căn hộ bình dân tại TP.HCM tăng giá
Nguồn cung nhà ở giảm liên tục từ năm 2018 đến nay.

Nhận định thị trường 6 tháng cuối năm 2022, đại diện Công ty DKRA Vietnam dự báo, nguồn cung và sức cầu ở hầu hết các phân khúc sẽ tiếp tục duy trì ổn định như giai đoạn nửa đầu năm 2022. Mặt bằng giá sơ cấp có thể tiếp tục xu hướng tăng bởi áp lực từ chi phí đầu vào liên tục leo thang, nguồn cung khan hiếm. Trong khi đó, giá bán thứ cấp không có nhiều biến động.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, thị trường bất động sản tiếp tục tình trạng “lệch pha cung cầu”, rất thiếu nguồn cung dự án, rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở bình dân, nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân. Nguồn cung nhà ở giảm liên tục từ năm 2018 đến nay.

"Nếu so sánh với năm 2017 là năm thị trường bất động sản TP.HCM có nguồn cung cao nhất với 42.991 căn nhà thì nguồn cung năm 2018 chỉ bằng 65,8%, năm 2019 chỉ bằng 53,6%, năm 2020 chỉ bằng 39,2%, năm 2021 chỉ bằng 33,6% so với năm 2017", ông Lê Hoàng Châu cho biết.

Ông Châu nhận định, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu “giảm tốc”, phát triển chậm lại. Doanh nghiệp bất động sản có dấu hiệu “hụt hơi”, giảm thanh khoản, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu (quý 1 và tháng 7/2022, doanh nghiệp bất động sản không phát hành được trái phiếu). Nhà đầu tư thứ cấp đang khó khăn vì thị trường thứ cấp cũng đang “trầm lắng”, người có nhu cầu thật khó tạo lập được nhà ở hơn trước đây.

"Trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế TP.HCM phục hồi và tăng trưởng ấn tượng, có nhiều lĩnh vực tăng vượt chỉ tiêu kế hoạch, chỉ riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản là tăng trưởng âm, giảm 5,82% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó nguồn cung nhà ở cũng chỉ bằng 44% so với năm 2017", ông Lê Hoàng Châu cho biết thêm.

Minh Tuấn

© Báo Tin tức - NetBiz