BIDV, VietinBank và Agribank gia nhập cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi

07:50 | 28/10/2022 Print
(LG) Sau động thái thay đổi biểu lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần, ngày 27/10, ba ngân hàng thuộc nhóm ngân hàng quốc doanh cũng đã nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động.
Nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi Áp lực với lãi suất cho vay Người dân “đổ” tiền vào ngân hàng khi lãi suất tăng cao
BIDV, VietinBank và Agribank gia nhập cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi
BIDV đang áp dụng lãi suất là 6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 6,1%/năm cho kỳ hạn 9 tháng. (Ảnh: KP)

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước có động thái tăng lãi suất điều hành, ngày 26/10, nhiều ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động kịch trần biên độ cho phép các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng.

Tiếp đó, ngày 27/10, ba ngân hàng thuộc ngân hàng thương mại Nhà nước là BIDV, VietinBank và Agribank đã chính thức điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm hơn 1 điểm % tại hầu hết kỳ hạn.

Cụ thể, với hình thức gửi tại quầy, từ các kỳ hạn 12 tháng trở lên, 3 “ông lớn” ngân hàng đã tăng thêm 1 điểm % so với đầu tháng 10/2022 lên mức 7,4%/năm.

Bên cạnh đó, tại Agribank và Vietinbank đang niêm yết lãi suất lần lượt là 6,1%/năm và 6%/năm cho các kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng tăng khoảng 1,3 - 1,4 điểm % so với đầu tháng 10. Song, về phía BIDV, ngân hàng đang áp dụng lãi suất là 6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 6,1%/năm cho kỳ hạn 9 tháng.

Đối với các kỳ hạn ngắn hơn từ 3 - 5 tháng, lãi suất tiết kiệm tại cả ba nhà băng đều là 5,4%/năm, tăng 1 điểm % so với biểu lãi suất cũ. Tại các kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng, lãi suất sẽ là 4,9%/năm, tăng 0,8 điểm %.

Ngoài ra, trong khi BIDV và VietinBank giữ nguyên lãi suất là 0,1%/năm cho lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thì Agribank đã gây bất ngờ tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thêm 0,2 điểm % lên 0,5%/năm .

Ở chiều ngược lại, Vietcombank vẫn chưa gia nhập cuộc đua tăng lãi suất sau lần điều chỉnh lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động dưới 6 tháng của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh tăng lãi suất điều hành là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.

Hà Phong

© Báo Tin tức - NetBiz