TP.HCM: Doanh nghiệp du lịch chỉ ra nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ

16:31 | 19/11/2022 Print
(LG) Liên quan đến những kiến nghị tại Hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp ngành du lịch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), mới đây, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) TP.HCM Phan Thị Thắng đã chỉ đạo Sở Du lịch phối hợp với các sở, ngành rà soát và trả lời các kiến nghị trên.
TP.HCM: Kiểm soát hoạt động xe ô tô khách giường nằm vào khu vực nội đô TP.HCM: Tăng cường công tác chống buôn lậu, hàng giả trong lĩnh vực nông nghiệp dịp cuối năm TP.HCM: Xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu

Trước đó, tại Hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp ngành du lịch trên địa bàn của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM, các doanh nghiệp đã chỉ ra nhiều vướng mắc trong phát triển ngành kinh tế xanh để Thành phố tìm hướng khắc phục.

Đơn cử, ông Nguyễn Thanh Hiếu, Trưởng phòng Đài quan sát Saigon Skydeck, Tháp tài chính Bitexco cho biết, hoạt động đón khách du lịch tại Đài quan sát Saigon Skydeck gặp rất nhiều khó khăn do các biển cấm dừng đậu trên đường Hồ Tùng Mậu, Hải Triều và Ngô Đức Kế… khiến các xe du lịch thường xuyên bị phạt, mang đến nỗi sợ hãi cho tài xế đưa, đón khách đến Đài quan sát. Nếu dừng ở đường Hàm Nghi, khách phải băng qua các giao lộ xe máy đông đúc không nhường đường nên sẽ có rủi ro tai nạn giao thông, cướp giật và chèo kéo bán hàng rong.

Cũng liên quan đến vấn đề giao thông, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông Marketing Công ty TST Tourist cho rằng, cơ quan chức năng cần xem xét vị trí của 18A Cộng Hoà (quận Tân Bình), vì đây là cửa ngõ tắc nghẽn ở phía Tây Bắc của TP.HCM. Ngoài ra, đường Cộng Hoà còn là con đường huyết mạch kết nối nhiều quận, huyện với trung tâm TP.HCM như quận Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp...

TP.HCM: Doanh nghiệp du lịch chỉ ra nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ
Du lịch TP.HCM hồi phục sau 2 năm dịch Covid-19, tuy nhiên vẫn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.

“Ngoài các điểm hạn chế đón, trả khách, thì vị trí 18A trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) đang là điểm tắc nghẽn ở cửa ngõ Tây Bắc TP.HCM. Đây sẽ là mối đe dọa đối với luồng vận chuyển du khách của các công ty lữ hành khi đưa ga T3 vào khai thác”, ông Mẫn cho hay.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel cho biết, hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng với TP.HCM và các tỉnh thành chưa được đồng bộ và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Từ TP.HCM đi về các tỉnh thành phía Nam chưa có nhiều cao tốc, các sân bay khu vực Tây Nam bộ chưa khai thác hết công suất phục vụ, cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch còn thiếu.

"Giao thông vận tải là mạch máu của nền kinh tế, giao thông vận tải phát triển trước thì mới có thể kéo các ngành kinh tế, trong đó có du lịch phát triển theo", bà Hoàng cho hay.

Theo ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du ngoạn Việt, du lịch đường sông không phát triển một phần do không có bến thủy nội địa với nhiều nguyên nhân như: vướng đất công khi xây dựng bến, các điều kiện vận hành bến quá chặt chẽ, thành ra nhiêu khê.

“Tại bến còn không cho buôn bán, ăn uống, giải khát, không có nơi gửi xe cho du khách… phải chăng là không có chính sách khuyến khích để phát triển”, ông Anh cho biết.

Bà Ngô Thanh Thúy, Giám đốc điều hành Khách sạn Rex đề xuất, rào chắn công trình Metro trên đường Lê Lợi đã được tháo gỡ sau 8 năm thi công ga ngầm, nhưng con phố này vẫn chưa được khai thác đúng tầm. Cần phải biến phố này thành điểm đến hấp dẫn như phát triển ẩm thực đường phố, các điểm mua sắm sản phẩm hàng Việt, phát triển chương trình văn nghệ, lễ hội vui chơi giải trí hàng đêm chứ không chỉ 2 ngày cuối tuần.

Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi cho hay, địa đạo Củ Chi được giao thực hiện các dự án theo luật đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, các dự án đều phải thông qua nhiều cơ quan chức năng nên thủ tục bị chậm.

Ngoài ra, đầu năm 2020, địa đạo Củ Chi đã phối hợp với các sở để xin điều chỉnh dự án với thời gian thực hiện từ năm 2020 đến năm 2025, nhưng hiện còn 3 dự án quan trọng chưa được bố trí vốn gồm: Dự án tái hiện, tôn tạo Khu di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác - Cần Giờ; Dự án cải tạo, nâng cấp và xây dựng hệ thống cống để giữ mực nước phục vụ khách tham quan Chiến khu Rừng Sác; Dự án mở rộng Khu di tích địa đạo Củ Chi tại xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Bà Đặng Thị Thy Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Bến Thành cho biết, sau Covid-19, chi phí đầu vào của mọi dịch vụ, hãng hàng không tăng cao, gián tiếp thúc đẩy các chi phí khác tăng theo khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Không những thế, nguồn vốn ngân hàng cho vay bị thu hẹp do động thái điều tiết dư nợ tín dụng từ ngân hàng nhà nước.

"Từ những khó khăn trên, kiến nghị chính quyền có chính sách ưu đãi vay vốn, hỗ trợ giảm tiền thuê đất, thuế giá trị gia tăng… để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch. Khuyến khích các chi nhánh ngân hàng tại điểm đến có thể tham gia cho doanh nghiệp vay và thanh toán chi phí dịch vụ tại địa phương", bà Thanh cho biết.

Minh Tuấn

© Báo Tin tức - NetBiz