Tạo điều kiện cho hành khách tiếp cận bến xe miền Đông mới TP.HCM: Chấn chỉnh việc trả, đón khách tại các cửa hàng xăng dầu dọc Quốc lộ 13 "Gỡ khó" cho bến xe miền Đông mới

Theo phương án mà Sở GTVT TP.HCM đưa ra, Thành phố sẽ tổ chức cấm xe ô tô khách giường nằm lưu thông vào khu vực được giới hạn bởi các tuyến đường: Quốc lộ 1 – Nguyễn Văn Linh – Võ Chí Công – Nguyễn Thị Định – Đồng Văn Cống – Mai Chí Thọ - Xa lộ Hà Nội – Quốc lộ 1.

Các xe ô tô khách giường nằm được lưu thông không hạn chế thời gian trên các tuyến đường nêu trên, đồng thời được phép lưu thông ra vào các tuyến hành lang như sau: Hành lang ra vào bến xe miền Đông: Quốc lộ 1→ Quốc lộ 13 → Đinh Bộ Lĩnh → bến xe miền Đông → Quốc lộ 13 → Quốc lộ 1. Hành lang ra vào bến xe miền Tây: Quốc lộ 1 → Kinh Dương Vương → bến xe miền Tây và ngược lại.

Thời gian cấm lưu thông theo phương án 1 là 24/24 giờ, theo phương án 2 là từ 6 giờ đến 22 giờ. Sau một thời gian thực hiện, Sở GTVT sẽ tổ chức đánh để xem xét, đề xuất thời gian cấm để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông.

Nếu được UBND TP.HCM thông qua, Sở GTVT sẽ chính thức áp dụng từ ngày 15/12/2022 để kịp phục vụ công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đi lại dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán 2023. Để triển khai phương án nói trên, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị UBND Thành phố giao Sở GTVT sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai lắp đặt hệ thống biển báo hiệu giao thông, công bố rộng rãi phương án tổ chức giao thông đối với xe ô tô khách giường nằm. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi tình hình giao thông sau khi triển khai thực hiện, tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện để kịp thời đề xuất UBND Thành phố điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình giao thông thực tế.

Giao Công an Thành phố chỉ đạo lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động của phương tiện xe ô tô khách giường nằm, kịp thời phát hiện các vi phạm và xử lý nghiêm nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Giao UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chủ trì kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý triệt để hoạt động tại các bến bãi, điểm đón, trả khách ngoài danh mục bến bãi đã được công bố trên địa bàn quản lý.

TP.HCM: Kiểm soát hoạt động xe ô tô khách giường nằm vào khu vực nội đô
Sở GTVT TP.HCM lên phương án kiểm soát xe khách giường nằm theo tuyến đường và khung giờ nhất định.

Theo Sở GTVT TP.HCM: Hiện nay các xe ô tô khách giường nằm khi lưu thông đi, đến Thành phố chỉ được đón trả khách tại 5 bến xe của TP.HCM (3 bến xe nằm bên ngoài đường Vành đai 2 gồm bến xe An Sương, bến xe Ngã Tư Gia, bến xe miền Đông mới và 2 bến xe nằm bên trong đường Vành đai 2 gồm bến xe miền Đông, bến xe Miền Tây). Tuy nhiên, thực tế hiện nay một số chủ xe chuyển đổi hình thức vận chuyển từ tuyến cố định sang dạng hợp đồng để hoạt động đón, trả khách sai quy định.

Do đó cần đưa ra giải pháp tổ chức quản lý, kiểm soát hoạt động phương tiện vận tải hành khách có kích thước lớn, đặc biệt là xe ô tô khách giường nằm hoạt động đúng quy định là đón trả khách tại các bến xe liên tỉnh thông qua công tác tổ chức giao thông, nhằm quy định cụ thể về phạm vi, thời gian hoạt động, đảm bảo phối hợp trong công tác quản lý của các sở, ban, ngành, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, các đơn vị có liên quan đối với hoạt động của xe ô tô khách.

Trước mắt để từng bước kiểm soát hoạt động vận tải hành khách của xe ô tô có kích thước lớn lưu thông vào khu vực nội đô TP.HCM, hạn chế nguy cơ ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, chấn chỉnh tình trạng xe ô tô khách đón, trả khách không đúng nơi quy định, việc tổ chức giao thông đối với xe ô tô khách giường nằm trên địa bàn TP.HCM là cần thiết.

Trên địa bàn TP.HCM có 58 đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh với 1.579 phương tiện; có 1.351 đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch với 90.835 phương tiện. Sản lượng thông qua bến xe bình quân ngày (từ ngày 11/10/2022 đến hết ngày 31/10/2022) tại các bến xe là 44.058 hành khách với 3.726 chuyến xe. Hiện nay, theo biểu đồ chạy xe của các đơn vị đang khai thác tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh tại các bến xe khách trên địa bàn so với công suất khai thác của các bến đạt chưa đến 50%.

Tính đến tháng 10/2022, TP.HCM đang quản lý 8.754.545 phương tiện (trong đó có 878.193 xe ô tô và 7.876.352 xe mô tô). So với cùng kỳ năm 2021, tổng số phương tiện đang quản lý tăng 3,44% (ô tô tăng 8,52%, mô tô tăng 2,90%). Trong 10 tháng đầu năm 2022, bình quân mỗi ngày có khoảng 217 ô tô và 818 mô tô đăng ký mới. Xe ô tô khách đã được Sở GTVT cấp phù hiệu kinh doanh vận tải là 49.256 xe, trong đó xe ô tô khách giường nằm (từ 22 giường đến 44 giường) là 1.610 xe, xe ô tô khách trên 30 chỗ là 1.967 xe, xe ô tô khách trên 16 chỗ là 2.906 xe, xe ô tô khách trên 9 chỗ là 3.212 xe.

"Xe dù bến cóc" hoành hành

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 5 bến xe khách liên tỉnh, với 767 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đi và đến 57 tỉnh, thành. Trong đó bến xe Miền Tây có 202 tuyến, bến xe Miền Đông cũ có 77 tuyến, bến xe An Sương có 118 tuyến, bến xe Ngã Tư Ga có 178 tuyến và bến xe Miền Đông mới có 192 tuyến.

Loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch đón, trả khách tại các bến bãi, các điểm không đúng quy định (xe dù bến cóc) đang diễn ra nhiều. Việc quản lý loại phương tiện này hiện nay còn nhiều bất cập như tình trạng xe ô tô khách liên tỉnh từ các tỉnh, thành lưu thông vào khu vực nội đô nhưng không vào các bến xe của TP.HCM mà lưu thông đến các điểm hoạt động đón, trả khách (tại các điểm bán vé, cây xăng, bãi xe...).

TP.HCM: Kiểm soát hoạt động xe ô tô khách giường nằm vào khu vực nội đô
Cây xăng trên Quốc lộ 13, TP.HCM trở thành điểm tập kết đưa đón khách sai quy định.

Một số chủ xe chuyển đổi hình thức vận chuyển từ tuyến cố định sang dạng hợp đồng để hoạt động đón, trả khách sai quy định gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm và điều tiết giao thông đối với loại hình vận tải này. Đặc biệt là loại xe ô tô khách giường nằm lưu thông vào sâu vào trong khu vực trung tâm TP.HCM để đón, trả khách sai quy định gây mất trật tự an toàn giao thông, nhất là trên các địa bàn các quận 5, 10, Tân Phú, Tân Bình… Qua thống kê, trên địa bàn TP.HCM tồn tại thường xuyên 76 vị trí hoạt động đón, trả khách không đúng nơi quy định, thu hút lượng xe chạy lớn tuyến cố định lưu thông vào khu vực trung tâm TP.HCM.

Trong năm 2021, Thanh tra Sở GTVT đã phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện và lập biên bản 664 trường hợp vi phạm về giao thông đường bộ với số tiền xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay đã phát hiện và lập biên bản 1.764 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt hơn 2,5 tỷ đồng.