TP.HCM: Xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu
TP.HCM: Khai thác cát trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp ở vùng giáp ranh Đến cuối năm 2022, TP.HCM sẽ hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo bền vững TP.HCM: Giải ngân chậm các dự án giao thông trọng điểm |
Để ổn định nguồn cung xăng dầu trên địa bàn, UBND TP.HCM giao Sở Công thương tiếp tục theo dõi, bám sát và nắm chắc tình hình thị trường cung - cầu xăng, dầu; kịp thời tham mưu UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành liên quan các vấn đề đang gặp khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp giải quyết. Phối hợp Cục Quản lý thị trường TP.HCM rà soát, thống kê và đề xuất biện pháp xử lý theo quy định đối với các trường hợp doanh nghiệp cung ứng xăng dầu thường xuyên chưa đảm bảo được nguồn cung ứng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Tình trạng các cây xăng tạm ngừng hoạt động vẫn đang diễn ra tại một số nơi trên địa bàn TP.HCM. |
Công an TP.HCM chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND thành phố Thủ Đức, các quận - huyện tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, có giải pháp phối hợp nhằm đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống nguy cơ cháy, nổ tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.
Cục Quản lý thị trường TP.HCM phối hợp Sở Công thương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu; làm rõ nguyên nhân tạm ngưng kinh doanh; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm. Tổng hợp, cung cấp thông tin về quy định liên quan, các trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu để tuyên truyền đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhằm cảnh báo, tác động và góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm tương tự.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường quản lý địa bàn; phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát các đơn vị kinh doanh xăng dầu nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, phối hợp với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn có phương án phù hợp trong phân luồng, điều tiết người mua hàng để đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống nguy cơ cháy nổ tại khu vực.
Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM, UBND Thành phố đề nghị triển khai đến các ngân hàng thương mại trên địa bàn chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Kịp thời hỗ trợ các doanh ngiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong tiếp cận nguồn vốn vay.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động các giải pháp duy trì nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Theo Sở Công thương TP.HCM: Tính đến ngày 14/11, trên địa bàn TP.HCM có 15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, 61 thương nhân phân phối, 1 thương nhân làm tổng đại lý, 32 đại lý bán lẻ và 549 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 4/549 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng kinh doanh để sửa chữa. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, nhất là từ ngày 1-10 đến nay, có tình trạng một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu gián đoạn do tạm hết xăng.
Trung bình mỗi ngày có từ 9-20% trên tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM tạm thời thiếu hụt mặt hàng xăng. Ngoài những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến nguồn cung, có một số trường hợp thương nhân không chủ động nhập hàng dẫn đến thiếu nguồn hàng cung ứng cho thị trường.
Bình luận