9 tháng năm 2024: Kinh tế Hà Nội đạt mức tăng trưởng cao
Những nền kinh tế có số triệu phú USD tăng nhanh nhất thế giới Hà Nội: Chạy nước rút giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 |
Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội. Đồ họa tư liệu |
Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý III/2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội, tại cuộc họp báo chiều 3/10, ông Nguyễn Văn Tú - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, kinh tế Hà Nội tiếp tục duy trì tăng trưởng, phục hồi rõ nét trong quý III và 9 tháng năm 2024. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III ước tính tăng 6,06% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,22%; khu vực dịch vụ tăng 6,48%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,99%.
Tính chung 9 tháng năm 2024, GRDP của thành phố ước tính tăng 6,12% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2023 tăng 5,99%).
Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2024 ước tính tăng 2,47% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 0,05 điểm % vào mức tăng GRDP (9 tháng năm 2023 tăng 5,99%). Khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng năm 2024 ước tính tăng 5,74% so cùng kỳ năm trước, đóng góp 1,15 điểm % vào mức tăng GRDP (9 tháng năm 2023 tăng 4,64%). Khu vực dịch vụ 9 tháng năm nay ước tính tăng 6,76% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 4,53 điểm % vào mức tăng GRDP (9 tháng năm 2023 tăng 7,02%)…
Một trong những kết quả nổi bật trong bức tranh kinh tế Thủ đô là: Thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tăng 23,1% và đạt 92,8% dự toán cả năm; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN do địa phương quản lý tăng 34,9%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 14,2%; khách du lịch đến Thủ đô gần 4,6 triệu lượt người, tăng 31,3%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 10,5%, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm…
“Trong bối cảnh tình hình thế giới căng thẳng chính trị leo thang, diễn biến phức tạp; ở trong nước các tỉnh, thành phố phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng trên là rất quan trọng và đáng ghi nhận” - đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nhận định.
Tuy nhiên, trong 9 tháng qua kinh tế thành phố cũng gặp nhiều khó khăn: Tốc độ tăng trưởng chậm so với kế hoạch; sản xuất công nghiệp, xây dựng chưa bứt phá được như kỳ vọng; sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai; số vụ cháy nổ và an toàn giao thông tăng cao gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Thời gian tới dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế trong nước và thành phố còn gặp nhiều khó khăn, thách thức từ các yếu tố tác động tiêu cực bên ngoài cũng như hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế cần phải khắc phục. Những khó khăn này ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2024.
Vì vậy, ông Nguyễn Văn Tú nhấn mạnh, để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2024, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm là rất lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi đơn vị cần tiếp tục khẩn trương, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Theo đó, thành phố tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Củng cố, nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tập trung rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi về tín dụng, giảm thuế, phí đất đai, xúc tiến thương mại.
Thành phố tăng cường các biện pháp quản lý tốt thị trường, giá cả những tháng cuối năm; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng. Thực hiện các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm chế biến, nông sản, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. ..
Thành phố đề nghị các doanh nghiệp tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu, mở rộng việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử; đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu... Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh.
Các cơ quan chức năng sẽ tạo cơ chế chính sách, hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp đối với khu vực bị ảnh hưởng do cơn bão số 3; kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo cung cấp thực phẩm tiêu dùng tăng cao dịp lễ, tết cuối năm. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng diện tích trồng lúa chất lượng cao, cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế…
Bình luận