VN-Index có quán tính tăng điểm để kiểm định vùng kháng cự gần 1.200-1.210 điểm Cảnh báo rủi ro khi tham gia sàn giao dịch chứng khoán trực tuyến

Diễn biến ngắn hạn của thị trường đang trở nên tiêu cực và khó lường

Thị trường chứng khoán giảm điểm trong phiên thứ hai liên tiếp với mức giảm khá mạnh, đồng thời thanh khoản khớp lệnh cũng gia tăng so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 5/7, VN-Index giảm 14,24 điểm (-1,19%) xuống 1.181,29 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE là tiêu cực với 120 mã tăng (4 mã tăng trần), 48 mã tham chiếu, 347 mã giảm (25 mã giảm sàn). HNX-Index giảm 3,25 điểm (-1,16%) xuống 277,94 điểm. Độ rộng trên sàn HNX là tích cực với 54 mã tăng (4 mã tăng trần), 45 mã tham chiếu, 159 mã giảm (16 mã giảm sàn).

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), cách giao dịch của phiên 5/7 cho thấy tâm lý thị trường ở trạng thái rất “lỏng lẻo” dễ bị lôi cuốn. Phiên giao dịch sáng cho thấy sự hưng phấn nhẹ của tâm lý nhưng khi chuyển sang phiên chiều mọi thứ đảo nghịch trở lại với số lượng cổ phiếu giảm áp đảo.

Ap luc ban ra con lon, nha dau tu han che giao dich luot song hinh anh 1
Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/7, VN-Index giảm 14,24 điểm (-1,19%) xuống 1.181,29 điểm

“Nguyên nhân chính của những phiên trồi sụt gần đây là do thanh khoản của thị trường ở mức thấp cho thấy dòng tiền đang dần yếu đi trong khi lượng cung ngày càng gia tăng thêm do lượng cổ phiếu niêm yết bổ sung từ chia tách và tăng vốn. Áp lực cho phiên giao dịch hôm nay 6/7 là tương đối cao và mức độ phân hóa đang thu hẹp lại ở mức thấp khiến cho diễn biến ngắn hạn của thị trường đang trở nên tiêu cực và khó lường hơn”, chuyên gia của TVSI nêu quan điểm.

VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.170 – 1.180 điểm

Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), về kỹ thuật, đồ thị ngày 5/7, VN-Index xuất hiện cây nến đỏ vừa thứ 2 với giá đóng cửa nằm dưới các đường trung bình động ngắn hạn (MA3 ngày, MA5 ngày, và MA10 ngày), kèm thanh khoản tăng khá và cao hơn trung bình 20 phiên, là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế, và xu hướng ngắn hạn trở nên tiêu cực hơn.

“Khả năng thị trường sẽ tiếp tục có quán tính giảm điểm trước khi tìm được vùng cân bằng mới. Trong phiên giao dịch hôm nay 6/7, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.170 – 1.180 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.150 – 1.160 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày”, chuyên gia của ASEANSC dự báo.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Đông Á (DAS) cho rằng, thị trường có những nỗ lực phục hồi dựa trên hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng nhưng vẫn không tránh được giảm điểm. Khu vực VN-Index 1200 điểm trở thành thử thách khó khăn cho thị trường khi xuất hiện lực bán xuống mỗi khi có nhịp hồi. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán giao dịch sôi động hơn mặt bằng chung nhưng dòng tiền tham gia thị trường còn dè dặt dù mặt bằng giá cổ phiếu đã chiết khấu khá sâu. Xu hướng trung hạn của thị trường vẫn chưa xác nhận xu hướng rõ nét. Xét về các yếu tố vĩ mô trung hạn, triển vọng kinh tế 2022 Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và dự báo lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tiếp tục khả quan, định giá đang hấp dẫn cho nhà đầu tư trung dài hạn. Đối với giao dịch ngắn hạn, áp lực bán ra có thể còn tiếp tục trong tuần này, chỉ số VN-Index có thể sớm kiểm định lại mức 1.170 điểm.

“Nhà đầu tư hạn chế giao dịch lướt sóng khi xác suất tìm kiếm lợi nhuận tương đối thấp, tuy nhiên, có thể chọn lọc cơ hội mua cho danh mục đầu tư trung dài hạn, quan tâm các nhóm khu công nghiệp, ngân hàng và ngành xây dựng hạ tầng khi kỳ vọng sẽ có sự chuyển biến đáng kể tiến độ đầu tư công trong nửa cuối năm”, chuyên gia của DAS khuyến nghị./.

Theo Diệp Diệp/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/ap-luc-ban-ra-con-lon-nha-dau-tu-han-che-giao-dich-luot-song-post954792.vov