7 trường hợp người lao động có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động không cần báo trước

15:38 | 22/10/2022 Print
(LG) Theo Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có quyền chấm dứt Hợp đồng lao động (HĐLĐ) mà không cần lý do, chỉ cần tuân thủ về thời hạn báo trước.
Các loại hợp đồng lao động theo quy định hiện hành Những nội dung chính cần ghi trong Hợp đồng lao động Có được ký hợp đồng mùa vụ với người lao động?

Việc bỏ quy định về điều kiện “phải có lý do” khi thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người lao động trong Bộ luật Lao động năm 2019 nhằm đảm bảo quyền được tự do lựa chọn việc làm của người lao động, hướng tới việc làm tốt hơn và phòng chống cưỡng bức lao động.

Quy định này cũng tạo động lực để người sử dụng lao động quan tâm cải thiện điều kiện lao động và có các chế độ đãi ngộ để “giữ chân” người lao động.

7 trường hợp người lao động có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động không cần báo trước
Theo Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có quyền chấm dứt HĐLĐ mà không cần lý do, chỉ cần tuân thủ về thời hạn báo trước. (Ảnh minh họa: B.D)

Theo đó, Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định 7 trường hợp, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần báo trước, gồm:

(1) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận;

(2) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn;

(3) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, bị cưỡng bức lao động;

(4) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

(5) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc;

(6) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định;

(7) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện HĐLĐ.

Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, chế định về HĐLĐ trong Bộ luật Lao động năm 2019 cũng bổ sung nhiều điểm mới như:

(1) Bỏ loại HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng;

(2) Quy định phụ lục hợp đồng không được sửa đổi thời hạn của HĐLĐ;

(3) Bổ sung thêm các trường hợp tạm hoãn HĐLĐ;

(4) HĐLĐ không đương nhiên chấm dứt khi người lao động đủ điều kiện nghỉ hưởng chế độ hưu trí, mà quy định theo hướng trao quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ cho một trong hai bên;

(5) Chuyển tạm thời người lao động sang làm công việc khác không bao gồm chuyển địa điểm làm việc.

B.D

© Báo Tin tức - NetBiz