Người lao động có thể thay đổi hình thức nhận lương hưu một cách đơn giản ngay tại nhà Hưởng lương hưu từ BHXH: Lợi ích thiết thực cho người tham gia
Cần điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước tháng 4.1993
Kể từ năm 2004, những người nghỉ hưu trước tháng 4.1993 vẫn chưa được tăng lương hưu. Ảnh minh hoạ: Minh Phương

Hơn 18 năm chưa thay đổi về lương hưu

Bà Đặng Thị Hạnh nghỉ hưu từ năm 1988, là giáo viên THCS, thời điểm nghỉ hưu, bà được nhận chế độ hưu trí hơn 300.000 đồng. Sau 34 năm, lương hưu của bà hiện ở mức hơn 4 triệu đồng mỗi tháng.

Nghị quyết 34/2021/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 (thông qua ngày 13.11.2021) nêu rõ: Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại Khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.

Bà Hạnh chia sẻ, những người về hưu trước tháng 4.1993 như bà đa số đều đã bước qua tuổi 80. Ở tuổi này, nhiều người đã mất. “Tại sao chúng tôi không nằm trong đối tượng được ưu tiên điều chỉnh lương hưu?” - bà Hạnh đặt câu hỏi.

18 năm kể từ ngày Nghị định 31 có hiệu lực, bà Hạnh cũng như nhiều người nghỉ hưu thời điểm đó vẫn chưa được tăng lương hưu. “Chúng tôi vẫn nhận mức lương rất thấp. Hơn 4 triệu đồng không thấm vào đâu khi giá cả ngày một leo thang” - bà Hạnh nhận định.

Mức lương hưu tăng chậm, để sống được ở Thủ đô, bà Hạnh phải nhờ vào chu cấp của các con. Tuổi cao sức yếu, bà Hạnh mắc bệnh tiểu đường, nếu tính riêng tiền thuốc hằng tháng đã 3 triệu đồng. Tiền thuốc men mỗi tháng đều do con cái lo liệu. Còn tiền lương hưu của bà và chồng cũng phải chắt bóp mới đủ mua lương thực. “Nếu gia đình nào con cái không có kinh tế thì cha mẹ làm sao sống được bằng lương hưu? Sau nhiều năm lương hưu đứng im, tôi mong thời gian tới, chính phủ có phương án tăng lương hưu, trợ cấp cho những người nghỉ hưu trước tháng 4.1993” - bà Hạnh chia sẻ.

Không thể đảm bảo cuộc sống lúc về già

Nghỉ hưu năm 1991, trải qua nhiều lần tăng lương, hiện bà Trần Thị Loan (quê Ninh Bình) nhận lương hưu hàng tháng là 2,5 triệu đồng.

Số tiền hưu trí còm cõi, bà dành phần ít để mua nhu yếu phẩm, còn lại, chủ yếu sử dụng cho thuốc men. Thức ăn trong tuần, bà Loan được con gái chu cấp, còn tiền thuốc tính sơ sơ khoảng 1,8 triệu đồng/tháng.

“Lương hưu chẳng thể đủ cho mức sống, tháng nào có hiếu, hỉ tôi phải dùng đến tiền mừng tuổi của con cháu. Tôi hi vọng Nhà nước không lãng quên những người nghỉ hưu trước tháng 4.1993” - bà Loan cho hay.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, số người hưởng lương hưu trước 1993 hiện nay là 592.000 người. Phần lớn những trường hợp này có thời gian hưởng lương trước đây rất thấp. Bên cạnh đó, một số người về hưu sớm, 60% số này nghỉ hưu sớm trước tuổi. Còn lại 1/3 là lực lượng vũ trang.

Ông Mai Đức Chính - nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho biết, đối với những người về hưu trước năm 1993 nếu không có con cái hỗ trợ thì họ với mức lương hưu rất thấp không thể đủ sống.

Theo ông Chính, mặc dù Nhà nước đã điều chỉnh lương hưu theo lương tối thiểu nhưng vì cốt lõi trước đây lương thấp nên dù thay đổi, lương hưu của những đối tượng này vẫn chưa thể đảm bảo. Ông Chính đưa ra ví dụ chính mẹ vợ của mình (đã mất): Về hưu vào khoảng những năm 1980, lương hưu được hơn 1 triệu đồng/tháng. Theo ông Chính, đối với những người về hưu trước năm 1993, cần có sự điều chỉnh về lương hưu vì họ đang hưởng mức lương hưu rất thấp.

Ông Chính cho rằng, với mức lương hưu khoảng 3,4-3,5 triệu đồng/tháng, nếu ở quê, người về hưu có thể chăn nuôi, trồng trọt để có thêm thực phẩm thì có thể sống được; còn nếu một mình ở thành phố, không có con hỗ trợ thì những người về hưu trước năm 1993 không thể đảm bảo cuộc sống lúc về già.

Theo Minh Phương - Bảo Hân/laodong.vn

https://laodong.vn/cong-doan/can-dieu-chinh-luong-huu-cho-nguoi-nghi-huu-truoc-thang-41993-1100900.ldo