Chênh lệch giá vàng quá lớn, hệ lụy dẫn đến buôn lậu vàng, đô la đen
Giá vàng thế giới tiếp tục tăng, rút ngắn khoảng cách với vàng trong nước Người dân Hà Nội đổ xô đi bán chốt lời khi giá vàng lên cao chưa từng có |
Nhiều yếu tố tiêu cực nếu không sớm sửa Nghị định về kinh doanh vàng
Trao đổi với Lao Động bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM) cho biết, thời gian vừa qua, do những "cú sốc" về dịch bệnh COVID-19, xung đột chính trị giữa Nga - Ukraina, nên giá vàng có những biến động bất thường, dẫn đến giá vàng trong nước chênh lệch cao hơn giá vàng thế giới.
Chênh lệch này đòi hỏi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phải sớm nghiên cứu điều chỉnh sửa đổi Nghị định 24 về kinh doanh vàng trong thời gian sớm nhất.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. Ảnh: QH |
Việc sửa đổi Nghị định 24 giúp giảm sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Nếu không sửa sớm có thể dẫn đến các yếu tố tiêu cực như buôn lậu vàng, đô la đen.
Theo đó giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới gần chục triệu đồng/lượng, các đối tượng buôn lậu sẽ dùng nhiều thủ đoạn để vận chuyển trái phép vàng qua biên giới kiếm lời.
"Tại Nghị trường Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết sớm sửa đổi Nghị định này để quản lý thị trường vàng tốt hơn", ông Ngân cho hay.
Bỏ tiền đầu tư vàng kiếm lời, rủi ro rất lớn
GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - nhận định chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao, cho thấy thị trường vàng trong nước không tương đồng với thị trường thế giới, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, vận hành theo cơ chế thị trường.
"Vàng là phương tiện cất trữ, việc người dân mua rất nhiều vàng cũng chỉ "chôn" tiền thôi; không đầu tư cho sản xuất kinh doanh sẽ không tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội" - GS Cường nói. Đồng thời, ông cho biết, có những giai đoạn chúng ta thả nổi thị trường vàng dẫn đến chuyện "vàng hoá", "đô la hóa" trong khi nguồn lực kinh tế của Việt Nam còn hạn hẹp. Trong bối cảnh nguồn lực kinh tế còn hạn hẹp phải hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng.
"Khi chúng ta quản lý chặt chẽ thị trường vàng, rõ ràng, người dân cũng ít tích trữ vàng hơn và lấy tiền đó để đầu tư các lĩnh vực khác", GS nhận định.
GS Hoàng Văn Cường. Ảnh: QH |
Theo GS Hoàng Văn Cường, việc SJC là đơn vị duy nhất được lựa chọn sản xuất vàng miếng sẽ tạo ra thế độc quyền cho một thương hiệu. Đây là vấn đề cần tính đến, phải tạo ra sự cạnh tranh, tránh việc dùng những mệnh lệnh hành chính tác động vào thị trường, tránh việc tạo ra một thương hiệu, một sản phẩm vượt trội hơn những sản phẩm, thương hiệu khác.
Khi được hỏi hiện vàng có phải kênh trú ẩn an toàn không, GS Cường cho biết, đầu tư vàng là bài toán khá nhạy cảm, đòi hỏi người đầu tư phải tính toán chuyên nghiệp.
"Mặc dù vàng là phương tiện tích trữ, nếu có vàng để đấy không bao giờ mất, nhưng bỏ tiền để đầu tư, kiếm lời trên vàng thì rủi ro rất lớn, nhất là với nhà đầu tư không đủ khả năng đánh giá, thẩm định và có những phản ứng kịp thời vì diễn biến giá vàng rất mạnh", đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Theo Nhóm PV/laodong.vn
Bình luận