Văn bản pháp luật tốt cũng là cách tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, Nhà nước Giá USD đắt đỏ, cả doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu đều lo ngại Đơn hàng giảm, doanh nghiệp TP.HCM co hẹp sản xuất

Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang tạo ra những thách thức không nhỏ đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tại Tọa đàm “Thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường”, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, dự báo, suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ diễn ra vào cuối năm 2023 và năm 2024.

Theo đó, có sự suy giảm tiêu dùng và suy giảm cầu nhập khẩu; cắt giảm đơn hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp; doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, giảm việc làm, giảm doanh thu, giảm lợi nhuận,...

Chi phí đang bào mòn động lực phát triển của doanh nghiệp
Ảnh minh họa: Bảo Thoa

Ông Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng tín dụng khô cạn dẫn đến việc huy động vốn qua tất cả các kênh, thị trường trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Và doanh nghiệp đói vốn, tiếp cận vốn khó, thậm chí là không thể, dù chấp nhận chi phí vốn cao.

Bên cạnh các biện pháp đồng bộ từ phía Nhà nước, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho rằng, doanh nghiệp cần nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số, chuyển nhanh sang áp dụng mô hình kinh doanh mới, nhất là thương mại điện tử; giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực.

Gia tăng xuất khẩu nông sản thực phẩm, và phát triển ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm; phát triển kinh tế tuần hoàn trong linh vực nông nghiệp.

Đổi mới hệ thống quản trị, áp dụng các chuẩn mực và thông lệ tốt, phù hợp nhằm nâng cấp và nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả và hiệu lực quản lý.

Thực hiện đào tạo cho cổ đông, người quản lý và người lao động bằng các hình thức, cách thức và kiến thức, kỷ năng phù hợp, nhất là quản lý, nghiên cứu và phát triển thị trường, chuyển đổi số,…

Thị trường bất động sản chuyển nhanh từ nóng sang lạnh và thậm chí đóng băng cục bộ; thanh khoản suy giảm; vốn đọng lại trong bất đông sản lớn; hàng loạt công ty, nhà đầu tư bất động sản mất thanh khoản, mất khả năng thanh toán và giải thể, phá sản.

Đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang ngày càng trở nên khó khăn hơn, thậm chí khó khăn hơn 10 năm trước (2010-2012). Cùng với những khó khăn có thể dẫn đến giải thể, phá sản, thu hẹp sản xuất, sa thải lao động, giảm giờ làm, thu nhập giảm,…

Với những bất ổn về kinh tế dẫn đến hiệu suất tăng năng suất lao động sụt giảm. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng phụ trách Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, năng suất lao động là chỉ số rất quan trọng trong kinh tế vi mô và cả vĩ mô.

Để có môi trường kinh doanh thuận lợi thì có 2 vấn đề rất quan trọng, một là rủi ro, hai là chi phí. Rủi ro có thể đến được từ thị trường, nhưng cũng có thể đến từ các chính sách đột ngột. Còn đối với chi phí, bên cạnh chi phí sản xuất, doanh nghiệp còn phải chịu các chi phí trung gian, như hạ tầng, logistics, quản lý,…

“Ngoài ra, chúng ta vẫn phải nói đến một loại chi phí chìm, chi phí ẩn, hay còn gọi là chi phí không chính thức. Các rủi ro và chi phí này đang bào mòn lợi nhuận, bào mòn động lực của doanh nghiệp để vươn lên phát triển bền vững, cũng là yếu tố bào mòn năng suất lao động nói chung”, ông Nguyễn Quốc Việt cho biết.

Bên cạnh yếu tố rủi ro và chi phí, vị chuyên gia này cũng cho rằng năng lực quản trị của doanh nghiệp cũng là vấn đề cần bàn. Có năng lực quản trị tốt, doanh nghiệp sẽ phát huy tối đa quyền làm chủ kinh doanh, từ đó mới nâng cao năng suất lao động nói riêng và nâng cao được năng suất tổng hợp của nền kinh tế nói chung.

Bảo Thoa