Cách nhận biết và tra cứu các website lừa đảo trực tuyến Tạo an toàn cho người dùng trên không gian mạng Cảnh báo thủ đoạn giả mạo website các công ty chứng khoán để lừa đảo

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), riêng trong năm 2022, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.

Chung tay
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Theo ghi nhận từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính: lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24.4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%). Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đưa người dân, doanh nghiệp chuyển hoạt động lên môi trường số, các chuyên gia bảo mật đều có chung nhận định chỉ cần một sự cố an toàn, an ninh mạng nghiêm trọng có thể làm ngưng trệ chương trình chuyển đổi số của cả một ngành, một địa phương, một doanh nghiệp.

Tương tự, vấn nạn lừa đảo trực tuyến nếu không được đẩy lùi sẽ ảnh hưởng đến việc tạo dựng và duy trì niềm tin số cho người dân, khiến họ lo ngại khi chuyển hoạt động lên không gian mạng.

Nhận thức rõ điều này, thời gian qua, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan ngăn chặn 5.078 website lừa đảo, vi phạm pháp luật.

Cùng đó, năm 2022, “Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng” được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) triển khai trên diện rộng, đồng bộ tại 63 tỉnh, thành phố thông qua hệ thống các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin tại các cơ quan nhà nước; các doanh nghiệp nhà nước lớn, các ngân hàng, tổ chức tài chính và các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ.

Chiến dịch đã mang lại một số kết quả tích cực, trong đó: Phát hiện, xử lý, ngăn chặn các trang web, nguồn lây nhiễm, phát tán mã độc đến người dân Việt Nam: Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã phát hiện và ngăn chặn và xử lý 76 website chuyên phát tán, cài cắm mã độc vào máy tính, điện thoại và thiết bị di động của người dân thông qua các phần mềm bẻ khóa.

Phát hiện và xử lý các máy chủ điều khiển, các mạng botnet: Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện và yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ngăn chặn kết nối đến 915 địa chỉ máy chủ điều khiển các mạng botnet tại Việt Nam; số lượng địa chỉ IP nằm trong mạng máy tính ma của Việt Nam giảm đáng kể; duy trì một cách bền vững dựa trên kết quả đã đạt được của chiến dịch năm 2020 cho đến nay.

Đặc biệt, với mong muốn giải quyết tận gốc vấn đề, giúp cho mọi người dân có thể chủ động bảo vệ mình trên mạng, từ cuối tháng 11/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động thành lập Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng.

Với sự tham gia của Cục An toàn thông tin, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam và 8 doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông lớn, Liên minh sẽ triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng an toàn thông tin cho người dân, để họ có thể tự bảo vệ mình trên môi trường số. Đây cũng được coi là giải pháp căn cơ, lâu dài để duy trì niềm tin số cho người dân, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số trong tương lai gần…

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng và liên tục cập nhật cơ sở dữ liệu chống lừa đảo lực tuyến quốc gia để các tổ chức, cá nhân có thể truy vấn, khai thác, đóng góp dữ liệu và cùng với cơ quan chức năng ngăn chăn tình trạng lừa đảo trực tuyến một cách kịp thời; cung cấp công cụ tự kiểm tra và bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng.