[Infographics] Điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2022 Nhiều cơ hội việc làm tại ngày hội Triển lãm công nghệ và tuyển dụng 2022
Công nhân chọn làm thời vụ để có lương cao
Công nhân thời vụ xếp hàng xin được tuyển dụng. Ảnh: Lương Hạnh

Không có sự lựa chọn

Khắp các hội nhóm trên trang mạng Facebook, Zalo... không khó thể thấy những bài đăng tuyển dụng từ các công ty môi giới. Số lượng công nhân được tuyển từ đây khá lớn. Song, công nhân thường không gắn bó lâu dài với các công ty. Họ thường chấp nhận làm thời vụ hoặc ký hợp đồng ngắn hạn, làm một thời gian rồi nghỉ việc.

Chị Vàng Thị Mây (SN 2003, quê Lào Cai) cùng chồng xuống KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) xin việc. Ở quê, hai vợ chồng chỉ làm nương, phát cỏ thuê. Được một người chị họ giới thiệu xuống làm công nhân thời vụ, cả hai vợ chồng chị Mây khăn gói xuống Hà Nội tìm việc.

Tháng 12.2021, chị Mây tìm được một công việc thời vụ với mức lương 300.000 đồng/ngày, được trả theo ngày. Đến nay, chị đã “nhảy” qua 3 công ty với 3 công việc thời vụ khác nhau mà không có bất kỳ hợp đồng lao động nào. Nữ công nhân này cho biết, chị chấp nhận việc không được đóng bảo hiểm hay các chế độ liên quan để nhận mức lương theo ngày cao.

Còn chị Cổ Thị Hướng (SN 1993, quê Lào Cai) - công nhân Khu công nghiệp Thăng Long cũng bày tỏ dịch COVID-19 đã khiến cả gia đình chị điêu đứng. Công ty chị ít việc, cắt giảm nhân sự. Chị Hướng phải nghỉ việc ở nhà không lương. Không thể tiếp tục chờ đợi, chị Hướng xin làm công nhân thời vụ tại Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) với mức lương 350.000 đồng/ngày.

Không chỉ vậy, chị Hướng còn đăng bài tuyển dụng công nhân thời vụ để hưởng một phần tiền công nếu tuyển được người lao động.

“Nếu tìm được lao động thì tôi được trả 300.000 đồng/người. Số tiền này còn phụ thuộc vào từng công ty”, chị Hướng cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Hosiden (Bắc Giang): Thông thường, công nhân làm thời vụ sẽ không được hưởng các chính sách bảo hiểm cũng như các chính sách hỗ trợ của công đoàn. Họ cũng không được hưởng chế độ chuyên cần, xăng xe, tiền nhà trọ, hỗ trợ nuôi con nhỏ... hay bất cứ loại phúc lợi nào nhưng lại được trả lương khá cao, cao hơn mức lương của lao động chính thức, ký hợp đồng dài hạn.

Công nhân làm thời vụ đa phần là những người bị nghỉ công việc chính, không có việc làm, họ bắt buộc phải làm thêm ở ngoài. Họ không có lựa chọn nào khác.

Tự bỏ quyền lợi cá nhân

“Thực tế, Công đoàn rất khó tham gia để kêu gọi hay vận động họ. Quan trọng bây giờ là phải kiềm chế lạm phát, bình ổn giá. Nếu các công ty có việc làm thì công nhân sẽ không phải nghỉ việc ở nhà. Từ đó họ sẽ không chọn công việc thời vụ để tự bỏ quyền lợi cá nhân của họ”, ông Tân cho hay.

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, từ ngày 1.1.2021 khi Bộ luật Lao động 2019 chính thức được áp dụng thì hợp đồng thời vụ sẽ không còn. Mọi quan hệ lao động với công việc dưới 36 tháng đều được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn, kể cả những công việc chỉ thực hiện trong một vài tháng. Căn cứ điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định146/2018, Điều 43 Luật Việc làm thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì bắt buộc phải tham bảo hiểm y tế. Hằng tháng, người lao động sẽ đóng 1,5% tiền lương tháng đóng BHXH, còn người lao động phải đóng 3% vào quỹ bảo hiểm y tế.

“Lao động trên 3 tháng thì được đóng đủ các loại bảo hiểm. Nếu chỉ ký 1 - dưới 3 tháng thì chỉ được đóng BHXH bắt buộc. Nhiều trường hợp chính người lao động không muốn ký hợp đồng vì nhiều lý do cá nhân. Họ sẽ thỏa thuận với DN tuyển dụng không đóng bảo hiểm. Họ tự bỏ quyền lợi cá nhân đáng được nhận”, luật sự nhận định.

Theo Lương Hạnh/laodong.vn

https://laodong.vn/xa-hoi/cong-nhan-chon-lam-thoi-vu-de-co-luong-cao-1060898.ldo