Công nhân "đau đầu" đi chợ vì giá thực phẩm tăng
Đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh 'bão giá'Rau củ tăng giá gấp đôi, tiểu thương chợ đầu mối cũng đau đầu vì “bão giá” |
Giá cả tăng khiến công nhân "đau đầu" mỗi khi đi chợ. |
Gia đình chị Nguyễn Thị Loan (Công nhân Công ty TNHH Molex Việt Nam) gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con đang thuê trọ ở gần Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Hằng tháng, chị Loan chi khoảng 1,3 triệu đồng cho tiền thuê nhà (bao gồm điện, nước); hơn 2 tháng gần đây nắng nóng phải sử dụng điều hoà nhiều nên tiền điện tăng thêm 300.000 – 400.000 đồng/tháng.
Trong bối cảnh giá xăng, giá thực phẩm cũng đắt đỏ hơn, chị Loan than thở: “Dù tôi rất muốn tiết kiệm nhưng không thể vì các khoản chi đều là khoản bắt buộc, nhu cầu thiết yếu của cả gia đình”.
Chị Loan cho hay, trước đây cầm 500.000 đồng trên tay là đã có thể mua thức ăn gồm thịt, cá, trứng, rau cho gia đình trong vòng 4 ngày; nhưng giờ đây số tiền này tiêu trong 2 ngày đã hết sạch.
“Cầm 500.000 đồng đi chợ trong 2 ngày, tôi mua thịt thì hết tiền mua cá, mua trứng hết tiền mua rau, không thì chẳng còn tiền mua trái cây” – nữ công nhân nói.
Hai vợ chồng đều làm công nhân, dự định lớn nhất của chị Loan và chồng khi xa quê hương đi kiếm đồng tiền là cất được căn nhà mới ở quê. “Hai năm qua dịch bệnh liên miên, đến nay dịch lắng xuống thì giá cả tăng vọt, chúng tôi đi làm chỉ mong lương đủ sống ở nơi đất chật người đông này, còn xây nhà có thể sẽ phải tính toán lại” – nữ công nhân bày tỏ.
Giá thực phẩm ảnh hưởng rất lớn đến chế độ ăn uống của công nhân. |
Chúng tôi gặp chị Trần Thị Tuyết Ngọc (công nhân lắp đặt thiết bị vệ sinh) ở quầy thịt trong khu chợ dân sinh ở thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung (huyện Đông Anh). Trước hàng thịt, nữ công nhân nâng lên rồi lại đặt xuống miếng ba chỉ heo, lần lữa mãi, chị quyết định mua 50.000 đồng được hơn 3 lạng thịt. Còn dư 20.000 đồng, chị dự định mua bó rau và một ít trái cây; nhưng bó rau có giá 12.000 đồng, số tiền còn lại 8.000 đồng mua gì cũng không bõ.
Chị Ngọc chép miệng: “Có rau là có chất xơ rồi, nhịn ăn tráng miệng cũng được”.
Từ ngày giá xăng cùng các mặt hàng thực phẩm tăng, chị Ngọc cho biết mỗi lần đi chợ rất đau đầu vì phải cân nhắc, tính toán thật kỹ. Trước đây giá cả vừa phải, con của chị còn được thường xuyên đổi món sang thịt bò, tôm. Giờ muốn đổi món cho con thì bố mẹ phải ăn đơn giản hơn. “Hôm nào con nói thèm ăn thịt gà, thịt bò, tôi và chồng chỉ dám ăn rau với trứng để có tiền mua món ngon cho con” – chị Ngọc chia sẻ.
Khi giá cả tăng, tiền sinh hoạt ăn uống mỗi tháng bị đội lên cao, gia đình công nhân phải xây dựng thực đơn để ăn uống tối giản hơn.
Như gia đình chị Ngọc, buổi sáng trước khi vào làm ca 1, chị sẽ cắm sẵn cơm để ăn cùng muối vừng, lạc hoặc trứng; các con ăn bánh mì, sữa hộp. Đến trưa chị ăn cơm ở công ty, còn các con sẽ ăn cơm cùng thức ăn nấu sẵn để tủ lạnh. Buổi tối thức ăn sẽ đa dạng hơn khi có thêm thịt hoặc cá.
“Vào cuối tuần, tôi sẽ ngồi lên thực đơn cho cả tuần sau, cụ thể hôm nào ăn món gì, chi bao nhiêu tiền. Nếu không làm như vậy sẽ rất dễ tiêu lẹm vào khoản tiết kiệm” – chị Ngọc bày tỏ.
Xây dựng thực đơn chi tiết có thể giúp chị Ngọc tính toán được khoản được chi tiêu mỗi tuần nhưng theo nữ công nhân này thì "nếu thường xuyên ăn uống qua loa sẽ không có đủ sức khoẻ để lao động; chưa kể những lúc ốm đau, trong người có khoẻ mới chống lại được bệnh tật".
Do vậy, bên cạnh mong muốn được tăng ca thường xuyên, chị Ngọc hi vọng thời gian tới, giá xăng, giá thực phẩm sẽ quay về mức bình thường để đời sống công nhân vơi bớt phần nào khó khăn.
Theo
/laodong.vnhttps://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-dau-dau-di-cho-vi-gia-thuc-pham-tang-1069318.ldo
Bình luận