Cử tri kiến nghị ổn định thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ
Thách thức cho xuất khẩu những tháng cuối năm Gỡ khó cho hoạt động xuất khẩu qua biên giới phía bắc |
GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83%
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng trong điều kiện vừa kiềm chế dịch bệnh, vừa phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn tạo nhiều điểm sáng tích cực.
Nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế, nâng hạng tín nhiệm và dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam. Ngày 11/10/2022, Báo cáo cập nhật của Nikkei (Nhật Bản) đánh giá Việt Nam và Campuchia đã đạt được bước tiến lớn, khi 4 tháng liên tiếp đứng trong nhóm 10 quốc gia hàng đầu thế giới về chỉ số phục hồi sau Covid-19.
Ngày 6/9/2022, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định. Đây là động thái hết sức tích cực, thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành kịp thời, đúng đắn và hiệu quả của Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội và Chính phủ để ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng chính trị - xã hội. Tiếp đó, ngày 4/10 vừa qua, Việt Nam là 1 trong số 4 nước trên thế giới được Moody’s nâng chỉ số tín nhiệm.
Quốc hội nghe trình bày báo cáo tại nghị trường. (Ảnh: Quốc hội) |
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,91%; khu vực dịch vụ tăng 18,86%.
Về sử dụng GDP quý III/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 38,21% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 8,7%, đóng góp 21,13%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,32%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,72%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 40,66%.
GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.
Cử tri lo lắng về công tác điều hành chính sách bình ổn giá xăng, dầu
Song, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, cử tri và nhân dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng về thực tế đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức trước tình hình, bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp nhất là từ khi diễn ra xung đột Nga - Ukraine; áp lực lạm phát cao; thị trường xuất khẩu thu hẹp; chính sách tiền tệ và chống dịch của các nước có nhiều thay đổi khác nhau gây nhiều khó khăn, bất lợi; giá cả nguyên vật liệu đầu vào chưa ổn định; giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm.
Thu hút vốn FDI chưa được như kỳ vọng, hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn, số doanh nghiệp rút lui và giải thể còn cao. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2022 đã có 62,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước; 36,3 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 13,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Bình quân một tháng có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Cử tri và nhân dân bày tỏ sự lo lắng dù kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn phục hồi và phát triển nhưng chưa đồng đều và thực sự bền vững, những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới; học phí và các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chưa tăng.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng rất băn khoăn, lo lắng công tác điều hành chính sách bình ổn giá xăng dầu như do mức chiết khấu thấp người kinh doanh xăng dầu không có lãi nên đóng cửa hàng làm đảo lộn, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và sản xuất ở một số địa phương.
Do biến động về giá xăng dầu, vật tư, giá vật liệu xây dựng thời gian qua tăng cao dẫn đến hầu hết các nhà thầu thi công sẽ bị lỗ so với giá trúng thầu. Do vậy, các nhà thầu tổ chức thi công theo kiểu “cầm chừng” nhằm chờ giá giảm nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như việc giải ngân vốn đầu tư công.
Cử tri ở vùng nông thôn lo ngại giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực không ổn định, giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thức ăn chăn nuôi duy trì ở mức cao, chi phí đầu vào tăng cao phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu, nhất là Trung Quốc; việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, việc làm, thu nhập của người lao động còn gặp khó khăn, thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp có nơi còn trì trệ... nên đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, giảm thu nhập, khó khăn cho đời sống của người dân.
Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường phân cấp, phân quyền, chủ động nắm tình hình, ứng phó diễn biến mới để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Đồng thời, ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiết kiệm triệt để, giảm chi tiêu không cần thiết...
Bình luận