Đầu tàu kinh tế TP HCM tăng trưởng ngoạn mục
Kinh tế Việt Nam từ góc nhìn quốc tế đến phân tích của chuyên gia trong nước Tăng trưởng GDP 9 tháng cao nhất trong 12 năm qua |
Lượng khách đến chợ Bến Thành (quận 1) tăng nhanh trở lại, hoạt động buôn bán trở nên nhộn nhịp. Ảnh: Ngọc Lê |
Tăng trưởng vượt xa dự báo
Chiều ngày 30.9, chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM) nhộn nhịp khách đến tham quan, mua sắm, trong đó đa phần là khách du lịch quốc tế. Các tiểu thương rộn rã, tất bật chào mời, giới thiệu sản phẩm cho khách. Khu vực ẩm thực cũng nhộn nhịp khách quốc tế đến thưởng thức các món ăn truyền thống của Việt Nam.
Anh Đặng Hữu Toàn - chủ sạp ăn uống chia sẻ: "Khoảng 2-3 tháng trở lại đây lượng khách tới chợ tăng mạnh, nhiều khung giờ không có chỗ ngồi cho khách ăn uống. Khách nhộn nhịp khiến chúng tôi rất phấn khởi, các bạn hàng giờ ai cũng bán tới tối không còn cảnh tầm chiều là dọn hàng như trước đây".
Theo Ban quản lý chợ Bến Thành, hiện nay, trung bình mỗi ngày chợ đón khoảng hơn 2.000 lượt khách. Những ngày cuối tuần lượng khách đến tham quan mua sắm tăng gấp đôi so với ngày thường. Hiện nay, dù lượng khách chưa đạt như trước dịch nhưng đang tăng đều khoảng 20-30% mỗi tháng.
Tính đến tháng 9, TPHCM đã đón 20,6 triệu lượt khách du lịch nội địa (tăng 66,1% so với cùng kỳ), hơn 2,11 triệu lượt khách quốc tế (tăng 100%). Doanh thu du lịch lữ hành 9 đầu năm đạt 18.200 tỉ đồng, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong thời gian đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt đạt 804.728 tỉ đồng, tăng 25,9% so với cùng kỳ.
Một vài con số khác cũng minh chứng cho sự hồi sinh của kinh tế TPHCM: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 19,6% trong 9 tháng đầu năm; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt gần 36 tỉ USD (tăng 10,4% so với cùng kỳ); tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 350.000 tỉ đồng (đạt hơn 90% dự toán năm và tăng gần 28% so với cùng kỳ).
Với đà này, dự báo tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn TPHCM trong năm nay tăng 9,44% so với cùng kỳ - vượt xa mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% đặt ra từ đầu năm.
Quyết định mở cửa đúng đắn, kịp thời
Cách đây hơn một năm, khi dịch COVID-19 bùng phát, TPHCM phải quyết định nâng cấp độ giãn cách xã hội toàn địa bàn theo Chỉ thị 15 trong 15 ngày kể từ 0h ngày 31.5.2021. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) cần áp dụng theo Chỉ thị 16. Nhớ lại thời điểm đó, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, với một thành phố trên 10 triệu dân, có vai trò quan trọng đối với cả nước, mọi quyết định được đưa ra lúc đó đều không là nhỏ và cần cân nhắc rất kỹ lưỡng. Nhưng, khó khăn, trăn trở nhiều nhất là những quyết định "đóng" và "mở" thành phố.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM, quyết định nâng cấp độ giãn cách xã hội, "ai ở đâu ở yên đó", từ ngày 23.8.2021 có lẽ là quyết định khó khăn nhất được đưa ra.
Thành phố đã bàn bạc nhiều lần, thâu đêm trước khi báo cáo, xin ý kiến Trung ương. Rất may, từ "đợt giãn cách cao điểm" này, dịch COVID-19 trên địa bàn đã được ngăn chặn và kiểm soát dần đến khi được cải thiện hoàn toàn. Lúc đầu, thành phố dự tính mở lại các hoạt động từ ngày 15.9.2021 theo các mục tiêu của Nghị quyết 86 của Chính phủ. Nhưng cuối cùng, TPHCM quyết đinh việc mở cửa bắt đầu từ ngày 1.10.2021. “Những kết quả thời gian qua đã chứng minh những quyết sách của TPHCM trong tình thế hết sức khó khăn như trên là rất đúng đắn và kịp thời” - ông Phan Văn Mãi nói.
Tuy vậy, lãnh đạo TPHCM nhìn nhận, qua 9 tháng đầu năm, vẫn còn nhiều trở ngại trên con đường phục hồi và phát triển. Điểm nghẽn lớn nhất là những vướng mắc, chậm trễ về thủ tục hành chính đã cản trở dòng tiền chảy vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và giá trị kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công - dòng vốn mồi quý giá để hoàn thiện hạ tầng, thu hút vốn đầu tư toàn xã hội - trong những tháng qua cũng rất thấp, 9 tháng đầu năm toàn TPHCM chỉ giải ngân được khoảng 25% kế hoạch.
Bên cạnh đó, các chỉ số cải cách hành chính của TPHCM năm qua đều thấp và xuống hạng. Hạn chế này có phần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Tâm lý e ngại, dè chừng là có, khiến cán bộ công chức khó đột phá, sáng tạo; công tác phối hợp giữa các sở ngành, quận, huyện và Thành phố Thủ Đức chưa thông suốt.
* Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, sau 9 tháng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, TPHCM cơ bản tìm lại được những gì đã mất. Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2022 và năm 2023 là thử thách không hề nhỏ trong bối cảnh tình hình biến động phức tạp, khó lường. * PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: Cách đây gần 1 năm, trên cơ sở tham vấn các nhà khoa học, chuyên gia y khoa…, lãnh đạo TPHCM đưa ra quyết định nới lỏng giãn cách xã hội theo từng cấp độ. Việc TPHCM “mở cửa” trở lại là một quyết định đúng đắn, giúp kinh tế thành phố phục hồi nhanh chóng và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Tuy nhiên, để TPHCM tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò là đầu tàu kinh tế, TPHCM cần có cơ chế đặc thù riêng cho đô thị đặc biệt theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho thành phố nhiều hơn. |
Theo Minh Quân/laodong.vn
https://laodong.vn/kinh-doanh/dau-tau-kinh-te-tphcm-tang-truong-ngoan-muc-1099545.ldo
Bình luận