Đề nghị Chính phủ làm rõ hiện tượng giá vàng tăng, giảm đột biến
Tăng cường các biện pháp quản lý thị trường để "siết" giá vàng Thủ tướng yêu cầu xử lý ngay tình trạng chênh lệch giá vàng |
GDP Quý I ước tăng 5,66%
Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 33, sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, về tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, GDP Quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong Quý I từ năm 2020 đến nay và vượt kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/4/2024 đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn 1,81% cùng kỳ năm 2023, đã đẩy lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng. Vốn FDI đăng ký mới đạt hơn 7,1 tỷ USD, tăng 73,2%; vốn FDI thực hiện đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 7,4%... Công tác bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, thực hiện kịp thời.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện kết quả triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng. Ảnh: Quốc hội. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức.
Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, thu ngân sách nhà nước 3 tháng ước đạt 33,3% dự toán, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2023. Hầu hết các khoản thu nội địa đều đạt khá (trên 25%) so dự toán, 52/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ...
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và đầu năm 2024.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh trong quý I/2024, tăng trưởng kinh tế đạt 5,66% so với cùng kỳ; khu vực công nghiệp và xây dựng, nông lâm, thủy sản, khu vực dịch vụ dần lấy lại đà tăng trưởng. Các chỉ tiêu về thu, chi ngân sách nhà nước năm 2023 đều đạt kết quả rất tích cực...
Tuy nhiên, Chính phủ cần đánh giá cụ thể hơn về tác động của tăng trưởng, như xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước trong năm qua để làm rõ nguyên nhân, giải pháp cho phù hợp trong 8 tháng còn lại của năm 2024; đánh giá, có giải pháp bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt gấp rút hoàn thành đường dây 500 kW mạch ba kéo điện ra miền Bắc, đồng bộ với hệ thống điện quốc gia, cũng như giảm tải sự thiếu điện.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội. |
Bên cạnh đó, quan tâm đến áp lực lạm phát. Hiện nay giá USD bán ra tại ngân hàng thương mại có xu hướng tăng, giá vàng cũng tăng, thậm chí trên 90 triệu đồng/lượng, điều này sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp và tác động lớn đến thị trường trong nước.
"Chính phủ cần có phương án điều hành linh hoạt, kịp thời, để cân bằng giữa mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Tình trạng biến động của thị trường vàng trong nước cần được quan tâm. Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương, rà soát, đánh giá toàn diện kết quả triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng; khắc phục tình trạng vàng miếng trong nước chênh lệch cao so với giá vàng quốc tế", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị.
Khắc phục tình trạng vàng miếng trong nước chênh lệch cao
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị làm rõ tình trạng giá vàng nhảy múa vừa qua công tác quản lý thế nào? “Không thể để thị trường vàng nhảy múa như thế, chưa bao giờ thấy thị trường mà giá vàng tăng, giảm rất đột biến như thế, tôi đề nghị công tác quản lý phải rõ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, cần đánh giá kỹ hơn tại sao thị trường vàng lại “nhảy múa” và có thời điểm giá vàng lên tới hơn 92 triệu đồng/lượng.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phân tích, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra đấu thầu vàng được vài phiên, nhưng giá vàng tăng đến mức tột đỉnh. Bà Nga đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ và cần có bàn tay của Nhà nước đề can thiệp vào thị trường vàng.
Trước đó, trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp...
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội. |
Giải trình thêm vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, từ năm 2022 đến nay, thị trường vàng trong nước bộc lộ hạn chế, cụ thể, chênh lệch giá trong nước và quốc tế duy trì ở mức cao.
Về nguyên nhân, theo ông Hà, do giá thế giới tăng và nguồn cung vàng trong nước hạn chế. Về giải pháp, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đấu thầu vàng với khối lượng phù hợp để tăng cung cho thị trường. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh, mua bán vàng miếng; chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh chấp hành nghiêm quy định về hoá đơn thanh toán, kiểm soát giao dịch mua bán vàng.
Đồng thời, ông Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp cùng Bộ Công an, Bộ Công Thương kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, đẩy giá vàng lên cao.
Bình luận