Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào mô hình kinh tế tuần hoàn Khó khăn về đơn hàng, doanh nghiệp vẫn không cắt giảm lao động
Doanh nghiệp thực phẩm đón sóng tiêu dùng cuối năm
Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm đang tăng tốc sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Ảnh: Quang Vương

Ngành có nhiều dư địa tăng trưởng

Báo cáo đánh giá của Mordor Intelligence Inc - tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới - cho biết, ngành lương thực, thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021 - 2026.

Đây là dự báo khả quan cho sự phát triển của ngành công nghiệp lương thực, thực phẩm trong bối cảnh còn chịu nhiều tác động từ dịch bệnh COVID-19 và giá cả nguyên vật liệu đầu vào đang tăng cao. Tuy vậy, thị trường nguyên liệu thực phẩm tại Việt Nam vẫn được nhận định là có dư địa tăng trưởng rất lớn.

Thông tin từ Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, sản lượng trứng gia cầm hiện đang rất dồi dào, doanh nghiệp vẫn đủ khả năng phục vụ nhu cầu khi tiêu dùng tăng 50%. Vĩnh Thành Đạt dự đoán từ nay đến Tết giá trứng, gia cầm sẽ không biến động, giữ ổn định trong thời gian tới.

Là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trên thị trường nguyên liệu thực phẩm trong nước, Tập đoàn nguyên liệu Á Châu (Asia Ingredients Group - AIG) cũng liên tục đổ vốn đầu tư, tận dụng dư địa để tăng nhanh doanh số và lợi nhuận. Khởi nguồn từ một công ty thương mại, AIG là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối nguyên liệu chất lượng từ các công ty nổi tiếng thế giới.

Ông Lê Nguyễn Đoan Duy - Giám đốc phát triển kinh doanh của AIG - chia sẻ, một trong những nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ phát triển kinh doanh của AIG là tìm kiếm thêm các đối tác quốc tế cùng bỏ vốn đầu tư, khai thác được hiệu quả nhất tiềm năng của thị trường Việt Nam, cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến. Chỉ tính riêng tại Công ty cổ phần nguyên liệu thực phẩm Á Châu Sài Gòn (AFI), một thành viên của Tập đoàn AIG cũng đã cung cấp một danh mục dài các nguyên liệu cho ngành chế biến thực phẩm nói chung và ngành sữa nói riêng tại Việt Nam.

Cố gắng thu hút vốn đầu tư, ổn định sản xuất

Số liệu từ Tổng cục Thống kê, giá trị của ngành sản xuất, chế biến thực phẩm đang chiếm tỉ trọng 19,1% trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam. Đây là ngành chiếm tỉ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đảm bảo nhu cầu của người dân cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bước sang quý IV/2022, các doanh nghiệp thực phẩm đang nỗ lực mở rộng đầu tư, đẩy mạnh sản xuất. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2021, xu hướng các doanh nghiệp FDI mua lại cổ phần, bơm vốn vào các doanh nghiệp thực phẩm tại Việt Nam cũng đang gia tăng nhanh chóng.

Thống kê sơ bộ trong 5 năm qua, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm nổi tiếng của thế giới đã và đang đặt nhà máy tại Việt Nam, họ không ngừng tăng quy mô đầu tư, mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực này.

Dự báo mới đây của Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, nhu cầu tiêu dùng ngành hàng thực phẩm dịp cuối năm 2022 sẽ tăng khoảng 30%.

Đây cũng là tháng cao điểm để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đang tăng thu mua nguyên liệu, tăng tích trữ để đảm bảo duy trì sản xuất ổn định, cân nhắc giảm từ 5 - 15% giá bán sản phẩm hàng hóa.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM thông tin, đa số các doanh nghiệp đến thời điểm hiện tại đã có dự trữ hàng ổn định từ giờ tới cuối năm và qua 1 - 2 tháng đầu của năm 2023, khi mức giá hàng hoá bắt đầu giảm xuống.

Tuy đang có lợi thế về mặt nguyên liệu, nhưng theo bà Lý Kim Chi, các doanh nghiệp chỉ tích trữ 3 tháng sản xuất mà không dự trữ 6 tháng như mọi năm vì thiếu vốn. Nhiều doanh nghiệp đang phải tự mình xoay xở bằng nhiều cách để ổn định sản xuất, không làm tăng áp lực tài chính những tháng cuối năm.

Theo THU GIANG/laodong.vn

https://laodong.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-thuc-pham-don-song-tieu-dung-cuoi-nam-1117787.ldo