Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức marketing du lịch Việt Định vị thương hiệu và phát triển các đô thị du lịch Việt Nam Du lịch Việt - Một năm nhìn lại những dấu ấn nổi bật

Năm 2023, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, xung đột xảy ra ở một số khu vực. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch toàn cầu phục hồi ở mức gần 90% so với thời điểm trước dịch, tuy nhiên khu vực châu Á phục hồi chậm nhất, chỉ đạt mức 62%. Ở trong nước, tình hình kinh tế - xã hội có xu hướng phục hồi tích cực, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, ngành Du lịch Việt Nam đã nỗ lực vượt khó, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trên nhiều lĩnh vực như tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách; tăng cường công tác quản lý nhà nước; thúc đẩy các hoạt động quản lý lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, hướng dẫn viên, khu điểm du lịch, truyền thông xúc tiến quảng bá, chuyển đổi số...

Du lịch Việt tăng tốc phát triển bền vững, hiệu quả
Du lịch Việt Nam tăng trưởng đáng kể từ sau đại dịch Covid-19.

Trong đó, nổi bật là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu, kiến nghị đổi mới chính sách thị thực và xuất nhập cảnh. Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam. Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết về thực hiện cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ và nâng thời hạn tạm trú cho các nước được miễn thị thực đơn phương lên 45 ngày.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đã tham mưu Lãnh đạo Bộ báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ chủ trì 2 hội nghị lớn về du lịch là Hội nghị toàn quốc về du lịch ngày 15/3/2023 và Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững ngày 15/11/2023. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 82 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã xây dựng và báo cáo Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo thống kê, năm 2023, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt 57% so với mục tiêu ban đầu và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12-13 triệu lượt). Khách nội địa đạt 108 triệu lượt, vượt 6% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt 678 nghìn tỷ đồng, vượt 4,3% so với kế hoạch năm 2023.

Với những thành tựu đã đạt được, ngành Du lịch Việt Nam vinh dự nhận được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín với 19 giải thưởng hàng đầu Thế giới và 54 giải thưởng hàng đầu châu Á do Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (WTA) trao tặng. Trong đó, Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”, lần thứ 5 trở thành ”Điểm đến hàng đầu châu Á”. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam lần thứ 4 được trao tặng danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á”. Cũng tại đây, nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã nhận được các hạng mục giải thưởng danh giá khác.

Các hoạt động, sự kiện du lịch diễn ra sôi động trong cả nước tạo ra nội lực tăng trưởng và phục hồi cả hoạt động du lịch nội địa và quốc tế. Hệ thống sản phẩm du lịch liên tục được làm mới, đa dạng, tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cho du lịch Việt Nam. Các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội du lịch tăng cường liên kết triển khai các hoạt động quảng bá, kích cầu du lịch.

Với sự phục hồi của hoạt động du lịch, các doanh nghiệp lữ hành quay trở lại thị trường và đăng ký mới tăng mạnh, số lượng hướng dẫn viên gia nhập thị trường lao động tăng thêm, cũng như có nhiều cơ sở lưu trú du lịch cao cấp 4-5 sao được đưa vào hoạt động.

Cụ thể, đến hết năm 2023, cả nước có 3.921 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng 1.027 doanh nghiệp so với năm 2022. Về đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, Sở quản lý du lịch các tỉnh/thành phố đã cấp mới 10.004 thẻ, đưa tổng số hướng dẫn viên du lịch trong cả nước lên con số 37.331. Về cơ sở lưu trú du lịch, tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 38.000 cơ sở lưu trú du lịch với 780.000 buồng, trong đó có 247 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao với 80.896 buồng và 368 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao với 50.716 buồng.

Nhiều địa phương có lượng khách tăng trưởng mạnh trong năm như: Hà Nội ước đón 24 triệu lượt khách, tăng 27% so với năm 2022; Bà Rịa-Vũng Tàu ước đón hơn 14 triệu lượt khách, tăng 15,27%; Thanh Hóa ước đón 12,4 triệu lượt khách, tăng 12,5%; Khánh Hoà ước đón hơn 7 triệu lượt khách, tăng 170%; Quảng Nam ước đón hơn 7,5 triệu lượt khách, tăng 1,6 lần; Quảng Bình ước đón hơn 4,5 triệu lượt khách, tăng 2,14 lần; Bình Thuận ước đón 8,35 triệu lượt khách, tăng 45,98%; Quảng Ninh ước đón 15,56 triệu lượt khách, tăng 30,9%; Đà Nẵng ước phục vụ hơn 7,39 triệu lượt khách có lưu trú, tăng gấp 2 lần; Lâm Đồng ước đón 8,65 triệu lượt khách, tăng 15,3%.

Hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, khu vui chơi giải trí đã phục hồi và khởi sắc trở lại, đặc biệt trong những dịp cao điểm nghỉ lễ, tết. Một số doanh nghiệp lữ hành có thương hiệu đã ghi nhận lượng khách đăng ký mua, sử dụng dịch vụ vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với mức đã đạt được của năm 2019. Tuy nhiên mức độ phục hồi không đồng đều ở các khu vực. Nhu cầu của khách du lịch quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới; quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong hoạt động du lịch sẽ ngày một rõ nét.

Với những phân tích, dự báo đó, năm 2024 ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.