Đua huy động vốn, có ngân hàng tăng lãi suất lên 8,2%/năm
Nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động Lãi suất huy động tăng trước áp lực lạm phát và cạnh tranh vốn |
Cuộc đua huy động vốn của các ngân hàng đang vào giai đoạn tăng tốc. Một số ngân hàng liên tục thay đổi lãi suất theo xu hướng tăng lên. Chẳng hạn như, SCB chính thức tăng lãi suất thêm 0,15 - 0,2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng đối với tiết kiệm Phát Lộc Tài lên 7,2%; tiết kiệm online lên 7,25%/năm. Kỳ hạn gửi 9 tháng có lãi suất tương ứng 7,35% và 7,4%/năm. Kỳ hạn 12 tháng lên 7,5% và 7,55%/năm. Mức lãi suất cao nhất của nhà băng này lên 7,75% ở kỳ hạn 36 tháng. Ngoài ra, chứng chỉ tiền gửi 24 tháng, lãi suất kỳ lĩnh lãi thứ 1 áp dụng cho khách hàng cá nhân tăng từ 7,75% lên 7,95%/năm. Chính sách ưu đãi cho khách hàng tham gia sản phẩm chứng chỉ tiền gửi 24 tháng điều chỉnh tăng từ 0,35% lên 0,55%/năm.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng khác cũng điều chỉnh lãi suất với mức cao nhất vượt 7%/năm. Tại Dong A Bank, mức lãi suất cao nhất của ngân hàng hiện nay là 7,6%/năm tại kỳ hạn 13 tháng, tăng 0,2%/năm so với trước đó. Tại các kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng, ngân hàng cũng áp dụng mức lãi suất từ 7%/năm trở lên, cụ thể là 7,1 - 7,5%/năm.
Ngoài ra, ngân hàng này còn áp dụng biên độ cộng theo số tiền gửi. Đối với kỳ hạn 13 tháng lãi cuối kỳ với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, khách hàng sẽ được cộng thêm biên độ lãi suất là 0,5%/năm, tiền gửi từ 1 tỷ đến 500 tỷ đồng cũng tại kỳ hạn này thì khách hàng sẽ nhận được biên độ cộng là 0,19%/năm.
Biểu lãi suất mới tại ngân hàng số Cake by VPBank. (Nguồn: Cake by VPBank) |
Tại Viet A Bank, mức lãi suất cao nhất hiện áp dụng tại ngân hàng là mức 7,8%/năm tại kỳ hạn 15 tháng. Ngân hàng Bản Việt cũng áp dụng tăng lãi suất kể từ 23/9 với mức cao nhất áp dụng tại ngân hàng là 7,5%/năm tại kỳ hạn 24 tháng, các kỳ hạn từ 6 đến 24 tháng cũng được điều chỉnh lãi suất tăng 0,5 - 0,6%/năm.
Các ngân hàng như OCB, Saigon Bank, SCB cũng công bố biểu lãi suất mới với mức cao nhất ở ngưỡng 7,3% - 7,35%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng đối với khách hàng cá nhân.
Mới đây, VPBank cũng thực hiện điều chỉnh lãi suất với mức cao nhất tại ngân hàng là 7,7%/năm tại kỳ hạn 36 tháng. HDBank có mức lãi suất cao nhất áp dụng tại ngân hàng là 7,65%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng áp dụng cho khoản tiết kiệm tối thiểu từ 300 tỷ đồng trở lên. Tại các ngân hàng ACB, Techcombank, lãi suất cao nhất ở mức 6,5 -6,9%/năm.
Đặc biệt, ngân hàng số Cake by VPBank đã tăng lãi suất huy động lên cao 8,2%/năm ở kỳ hạn 36 tháng, gửi từ 300 triệu đồng trở lên. Đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cố định ở mức 7,1%/năm; còn lãi suất bậc thang theo số tiền gửi từ 7,1 - 7,4%/năm. Kỳ hạn 12 tháng có lãi suất cố định 7,7%; lãi suất bậc thang từ 7,7 - 8%/năm. Số tiền gửi theo bậc thang thấp nhất là 50 triệu đồng.
Một ngân hàng khác có mức lãi suất lên 8,2%/năm là MSB tiết kiệm online đặc biệt kỳ hạn 15 tháng, trong khi lãi suất online bình thường là 7,7%/năm. Ngoài ra, lãi suất đặc biệt online kỳ hạn 6 tháng cũng lên 7,5% (online bình thường là 7%), 12 tháng lên 8% (bình thường là 7,5%/năm).
Sau nhiều ngày “án binh bất động”, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước lớn đã điều chỉnh lãi huy động tăng từ 0,5 - 1%/năm tùy theo kỳ hạn. VietinBank huy động lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng từ 4,1 - 4,4%/năm, 6 tháng ở mức 4,7%/năm nhưng 12 tháng tăng lên 6,4%/năm. Agribank tăng lãi suất kỳ hạn 3 - 5 tháng lên mức 4,4%/năm, trong khi kỳ hạn 1 và 2 tháng lãi suất ở mức 4,1%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 6 - 11 tháng cao nhất là 4,8%/năm và các kỳ hạn dài từ 12 - 24 tháng là 6,4%/năm.
Tương tự, Vietcombank cũng điều chỉnh lãi suất huy động tại quầy lên 4,1 - 4,8%/năm đối với kỳ hạn dưới 12 tháng. Riêng khách hàng gửi tiết kiệm online, lãi suất tăng thêm 0,5 - 0,8%/năm, mức lãi suất cao nhất lên 6,9%/năm ở kỳ hạn 12 tháng. BIDV là ngân hàng cuối cùng trong nhóm ngân hàng “big 4” tăng lãi suất huy động, lên bằng mức lãi suất của các ngân hàng trên.
Theo ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, tăng lãi suất là điều tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Việc giảm lãi vay là điều mong muốn của thị trường nhưng nguồn tiền giá rẻ hiện nay không còn thì doanh nghiệp, cá nhân phải chấp nhận bởi mức độ tăng lãi suất trên thị trường hiện nay.
Ước tính, lãi suất cho vay tăng 1%/năm, mà doanh nghiệp sử dụng vốn vay chiếm 3 - 5% hoạt động thì chi phí lãi vay trong giá thành sản phẩm khoảng 0,2%. Mức tăng này, doanh nghiệp có thể giảm lợi nhuận biên, giảm chi phí vận hành hoặc tăng giá sản phẩm. Chỉ có những doanh nghiệp vay lớn như bất động sản thì mới phải chịu tác động nhiều khi lãi vay tăng.
Bình luận