Không siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp Doanh nghiệp khó xoay sở với giá xăng dầu, nguyên phụ liệu

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19; đồng thời tiếp thu các đề xuất, góp ý từ nhiều địa phương, các hiệp hội và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chính phủ đã thống nhất gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022 cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch.

Gia han nop thue - Tro luc giup cac doanh nghiep vuot kho hinh anh 1
Dây chuyền lắp ráp ôtô du lịch tại nhà máy của Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) trong Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: TTXVN)

Tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn dự kiến khoảng 125.000 tỷ đồng. Sau thời gian ngắn triển khai Nghị định 34/2022/NĐ-CP về nội dung này đã nhận được nhiều ý kiến, phản hồi tích cực từ cộng đồng.

Một số chuyên gia kinh tế bày tỏ sự tin tưởng đây sẽ là nguồn vốn trợ lực đáng kể giúp các doanh nghiệp nhanh chóng củng cố hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phó Tổng thư ký VCCI, cho rằng có nhiều cách để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhưng nhanh nhất là tác động từ chính sách thuế.

Quyết định gia hạn nộp thuế đã được ban hành chắc chắn sẽ tạo thêm “trợ lực” cho doanh nghiệp, người dân trong quá trình phục hồi-phát triển; đồng thời tạo sức lan tỏa và hiệu ứng tích cực cho toàn nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

Với nhiều gói chính sách hỗ trợ về tài khóa về tiền tệ mà Chính phủ đã ban hành; trong đó, bao gồm cả việc gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí... hay cơ cấu nợ vay ngân hàng, giảm lãi suất... nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn đều được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá rất cao.

Song, cơ bản nhất, điều còn băn khoăn là khâu tổ chức thực thi chính sách cần làm sao để khắc phục được những "điểm nghẽn" lâu nay vốn luôn tồn tại.

Thông qua VCCI, cộng đồng doanh nghiệp đều phản ánh rằng, các điều kiện thụ hưởng chính sách hỗ trợ còn phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận hoặc tiếp cận được chính sách hỗ trợ thì mất nhiều thời gian, nhiều thủ tục, chưa kịp thời khiến hiệu quả hỗ trợ chưa cao, thời gian hỗ trợ chưa đủ dài.

Có những doanh nghiệp phản ánh, tính ra khi thực hiện xong các thủ tục để hưởng chính sách hỗ trợ, chi phí về thời gian, tiền bạc ngang bằng với không được hỗ trợ, nên họ đã không tiếp cận chính sách, ông Tuấn cho hay.

Vì thế, việc gia hạn nộp thuế theo chính sách mới mà Chính phủ ban hành, hy vọng sẽ có nhiều cải thiện trong tổ chức thực thi để doanh nghiệp và người dân sẽ dễ dàng tiếp cận và được hưởng lợi.

Chính sách được ban hành từ ngày 28/5, tới nay cũng còn khá mới. Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lý Phương Duyên (Học viện Tài chính), việc gia hạn thời hạn nộp thuế sẽ sớm có những tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Đây là biện pháp hỗ trợ kịp thời nhất cho người nộp thuế hơn so với các biện pháp hỗ trợ thông qua lãi suất hay các hình thức hỗ trợ tiền trực tiếp. Vì các biện pháp như lãi suất ưu đãi, chi ngân sách sẽ phát sinh thời gian xác minh đối tượng, lựa chọn đối tượng, các thủ tục hành chính để giải ngân… nên thường có độ trễ nhất định, không kịp thời cho người nộp thuế.

Gia han nop thue - Tro luc giup cac doanh nghiep vuot kho hinh anh 2
Sản xuất thép tại Nhà máy thép Trường Sơn. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Thêm nữa, biện pháp này còn hạn chế tối đa việc phát sinh thêm chi phí của Nhà nước và đảm bảo đúng đối tượng cần được hỗ trợ.

Ngoài ra, việc được sử dụng tiền thuế như một khoản tiền vốn, người nộp thuế còn nhận được một khoản lợi ích bằng tiền nhất định, tương đương với số tiền lãi ngân hàng do được gia hạn tiền thuế phải nộp, tùy theo số thuế được gia hạn, thời gian được gia hạn và lãi suất ngân hàng…

Nếu như thuế thu nhập doanh nghiệp là thuế trực thu, do người nộp thuế phải trực tiếp chi trả nên việc gia hạn thuế thụ nhập doanh nghiệp được coi như một khoản nợ mà người nộp thuế được trì hoãn thì việc gia hạn thuế giá trị gia tăng còn có ý nghĩa hơn.

Vì thuế giá trị gia tăng là số thuế do người tiêu dùng chi trả, doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã thu từ người tiêu dùng, khi được gia hạn sẽ được xem như một số vốn huy động được từ xã hội, và số thuế phải nộp càng nhiều thì người nộp thuế càng được hưởng lợi từ số thuế được gia hạn, bà Phương Duyên phân tích.

Từ thực tiễn doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thiên, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Thiên Oanh cho biết, việc Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế thêm lần nữa đã thể hiện sự chia sẻ khó khăn của Chính phủ với doanh nghiệp và người dân.

Đây là chính sách rất đúng đắn và kịp thời, giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền để duy trì sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động của địa phương.

Thay vì việc phải xoay xở mọi cách để có nguồn tài chính nộp thuế đúng hạn như mọi năm, các doanh nghiệp đã bớt căng thẳng hơn nhờ được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Đây cũng là lần thứ 4, cộng đồng doanh nghiệp được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, nên có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp giảm áp lực thanh toán cho doanh nghiệp; nhất là trong bối cảnh, bất kỳ đơn vị nào cũng đang cần tối ưu nguồn lực để vực dậy doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định sau giai đoạn khó khăn và đầy thách thức của đại dịch COVID-19, ông Thiên nhấn mạnh.

Với nguồn tài chính mà doanh nghiệp được hưởng lợi từ đây sẽ giúp các doanh nghiệp thêm cơ hội quay vòng vốn; hỗ trợ thanh toán một phần công nợ; đồng thời, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả tốt hơn./.

Theo Ngọc Quỳnh/(TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/gia-han-nop-thue-tro-luc-giup-cac-doanh-nghiep-vuot-kho/797616.vnp