Giá thực phẩm tại TPHCM bắt đầu giảm
Hà Nội: Giá rau xanh, thực phẩm tiếp tục đà "giảm nhiệt" Không để giá hàng hóa “cố thủ” chậm giảm theo giá xăng dầu Giá xăng dầu giảm mạnh, vì sao giá thực phẩm vẫn cao? |
Các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả tại TPHCM bắt đầu giảm giá nhẹ. Ảnh: Ngọc Lê |
Giá hàng hóa giảm “nhỏ giọt”
Không còn cảnh lác đác khách ghé mua hàng, khoảng 2 ngày nay sạp rau củ của anh Dương Quyền tại chợ Hòa Bình (Quận 5) đã đông khách trở lại.
Anh Quyền phấn khởi chia sẻ: “Hàng nhập ở chợ đầu mối đang giảm từ 2.000-5.000 đồng/kg nên tôi bán lẻ tại chợ cũng phải giảm cho khách. Một số loại rau thơm, hành lá giá nhập vào cũng rẻ hơn nên khi khách mua hàng, tôi có thể cho kèm như trước đây. Khách mua cũng vui vẻ mà mình cũng bán được hàng”.
Qua khảo sát tại các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM, giá một số mặt hàng rau xanh, trái cây, hải sản,… đã hạ nhiệt so với mức cao tuần trước đó. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mặt hàng giá vẫn ở mức cao từ khi xăng lên 32.000 đồng/lít hồi tháng 6 vừa qua.
Bà Thu Hằng - chủ một tiệm tạp hóa trên đường Lê Hồng Phong (Quận 10) cho biết, giá các mặt hàng gia vị như bột ngọt, đường, dầu ăn,... không giảm.
“Cách đây khoảng 2 tháng, nhà cung cấp đã điều chỉnh giá hàng hoá tăng do chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào tăng theo giá xăng dầu. Tuy nhiên, giá xăng đã giảm hơn 7.000 đồng/lít nhưng họ vẫn không hạ giá” - bà Hằng cho hay.
Đại diện một số hệ thống siêu thị tại TPHCM cũng cho biết, các đơn vị đã làm việc với nhà cung cấp để điều chỉnh giảm giá nhưng cần lộ trình và chưa thể giảm giá ngay. Trong khi chờ sự điều chỉnh của các nhà sản xuất, các đơn vị cũng áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu người tiêu dùng.
Nỗ lực kìm giá
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, giá xăng dầu trong quá trình tăng đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, làm cho chi phí tăng. Đối với hệ thống phân phối là các chợ, siêu thị, giá tăng chủ yếu do cước phí vận tải.
“Giá xăng tăng thì phí vận tải cũng tăng lên và tác động đến giá hàng hóa. Tuy nhiên, qua 4 lần điều chỉnh giá xăng dầu thì giá cước phí vận chuyển vẫn chưa xuống giảm nên hệ thống phân phối cũng chưa thể giảm giá được. Sau 12 lần xăng dầu điều chỉnh tăng giá, doanh nghiệp bình ổn thị trường vẫn nỗ lực kìm giá và chỉ điều chỉnh tăng 4 lần với mức điều chỉnh thấp” - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho hay.
Theo Sở Tài chính TPHCM, tính từ tháng 7 đến đầu tháng 8.2022, diễn biến giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm 4 đợt liên tiếp với mức giá bình quân đối với xăng là 7.270 đồng/lít, dầu diezen là 6.110 đồng/lít.
Sở Tài chính TPHCM đề nghị các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường (mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu) rà soát mức giá bán đăng ký tham gia chương trình hiện nay, để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với mức biến động giảm giá của giá xăng dầu trong cơ cấu hình thành giá.
Việc này nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác điều hành giá, bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân, nhất là việc kiểm soát hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.
Trường hợp điều chỉnh giảm giá, các doanh nghiệp có văn bản đăng ký gửi về Sở Tài chính TPHCM. Trường hợp không điều chỉnh giảm giá, các doanh nghiệp cũng phải có văn bản phản hồi, phân tích cụ thể cơ cấu hình thành giá để làm cơ sở xem xét điều chỉnh trong thời gian tới.
Theo
Bình luận