Giá xăng dầu giảm liên tiếp, hàng hóa, dịch vụ giảm giá "nhỏ giọt"
Giá xăng, dầu trong nước sẽ tiếp tục giảm lần thứ 5 liên tiếp Giá xăng dầu giảm mạnh, giá hàng hóa giảm nhỏ giọt |
Hiện nay, nhiều mặt hàng thiết yếu tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP.Hà Nội như: rau xanh, thực phẩm tươi sống, đồ khô… vẫn đang ở mức cao.
Một số mặt hàng có xu hướng giảm nhưng mức giảm không đáng kể, chưa tương xứng với đà giảm của giá xăng dầu. Điều này khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng và đặt câu hỏi, đến thời điểm nào thì giá cả thị trường mới về mức bình ổn, phù hợp với thu nhập của người dân.
“Tôi đi chợ rất mệt mỏi và bức xúc, giá xăng tăng thì mọi thứ tăng nhưng giá xăng đã giảm thì các hàng hóa chưa giảm, các mặt hàng vẫn ở mức khá cao nên người đi chợ phải khéo hơn để vừa đầy đủ mà tiết kiệm”, một bà nội trợ than thở.
Hiện nay, nhiều mặt hàng thiết yếu tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP.Hà Nội như: rau xanh, thực phẩm tươi sống, đồ khô… vẫn đang ở mức cao (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Tại các chợ đầu mối cũng như các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, nguồn cung các mặt hàng rau tươi, củ quả, thủy hải sản, thịt ... rất dồi dào nhưng giá cả các mặt hàng vẫn ở mức cao. Nhiều mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng đã thiết lập mặt bằng giá mới.
Một số tiểu thương tại chợ Sóc Sơn, Hà Nội cho biết, từ đầu năm tới nay, việc buôn bán gặp nhiều khó khăn, giá cả tăng cao khiến lượng khách giảm: “Người ta cứ bảo xăng dầu giảm mà thịt không giảm nhưng chúng tôi kinh doanh thì phải theo, như ở lò mổ chưa giảm thì chúng tôi cũng khó giảm theo. Từ lò mổ về đến đây giá phải hơn 90.000 đồng, nguồn thức ăn của chăn nuôi cao nên giá thành cao. Người dân cũng không mua nhiều như trước”.
Theo các chuyên gia, việc tăng, giảm giá hàng hóa trên thị trường dựa trên quy luật cung cầu và phụ thuộc nhiều vào yếu tố chi phí đầu vào, nhất là giá nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Đồng tình với độ trễ của việc điều chỉnh giá cả trên thị trường nhưng TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, độ trễ không thể kéo dài đến hàng tháng mà chỉ có thể một vài tuần sau khi giá xăng giảm. Do vậy, cần sự vào cuộc của các cơ quan bộ, ngành có liên quan. Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát, đồng thời, phải tạo văn hoá kinh doanh, đạo đức kinh doanh cả trước mắt và lâu dài.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: KT) |
“Chúng ta phải đồng bộ các giải pháp. Tôi đồng tình sẽ phải thanh tra, kiểm tra, giám sát nhưng cần nhớ là chúng ta không thể làm hết, không thể làm triệt để nếu người dân và doanh nghiệp không vào cuộc. Với doanh nghiệp, biện pháp trước mắt có thể là truyền thông để họ nhận thức tốt hơn. Thứ hai là kiểm tra giám sát. Thứ ba là phải tạo được văn hoá kinh doanh, đạo đức kinh doanh của Việt Nam”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Để bảo đảm cung cầu hàng hóa, không đứt gãy chuỗi cung ứng, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng, ngoài biện pháp hành chính, phải sử dụng sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của các hội, hiệp hội… để làm sao những người buôn bán nhận thức, chia sẻ khó khăn chung với xã hội. Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, nếu thực hiện giải pháp đồng bộ thì các chỉ đạo của Chính phủ sẽ được triển khai hiệu quả, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 4%.
“Tất cả các hoạt động phải đồng bộ, ví như trong chuỗi cung ứng hàng hoá, trong đó có cả xăng dầu, chúng ta phải tiết kiệm chi phí, luôn luôn đổi mới sáng tạo với mục đích chung như mục tiêu của Chính phủ là kiềm chế lạm phát để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, vì chỉ tiêu về giá là hết sức quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tôi cho rằng, đó là những cái chúng ta phải hết sức lưu tâm. Cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành, sự thông tin thường xuyên, làm thế nào dần dần chúng ta xây dựng nếp tự giác hơn nữa trong vấn đề lên xuống giá”, ông Vũ Vinh Phú nêu rõ.
Đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chịu ảnh hưởng gián tiếp từ xăng dầu và có tác động đến chỉ số CPI cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục theo dõi diễn biến và nắm bắt tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh để có biện pháp điều hành và bình ổn giá phù hợp.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, phải tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí trung gian trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng thông qua việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính. (Ảnh: KT) |
“Giải pháp hàng đầu phải được chú ý và triển khai thực hiện có hiệu quả là các biện pháp điều tiết. Chúng ta phải luôn bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ trong mọi tình huống và không được để đứt gãy nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tất cả các vùng miền và các thời điểm.
Thứ hai thực hiện kiểm soát hết các mặt hàng thuộc diện phải đăng ký giá, kê khai giá mà tập trung trước hết là những loại hàng hóa, dịch vụ mà có tác động mang tính lan tỏa đến cả các loại hàng hóa, dịch vụ khác. Thứ ba là áp dụng các biện pháp cần thiết về tài khóa để tác động đến thị trường và kết hợp với các biện pháp bình ổn giá khác theo quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Tiến Thỏa đề nghị.
Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh thành phố, Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước và các doanh nghiệp đề nghị tăng cường quản lý giá, bình ổn giá. Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các nhiệm vụ như cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ để chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường.
Với những hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục nhà nước định giá, Bộ Tài chính yêu cầu rà soát phương án giá, trường hợp yếu tố hình thành giá giảm, đề nghị trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định./.
Bá Toàn - Thanh Nga/VOV1
https://vov.vn/kinh-te/gia-xang-dau-giam-lien-tiep-hang-hoa-dich-vu-giam-gia-nho-giot-post963005.vov
Bình luận