Giá xăng dầu giảm mạnh: Cơ hội hạ giá hàng hóa, hỗ trợ kìm chế lạm phát!
Lạm phát ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước trên thế giới? Hóa giải áp lực lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng |
Theo dõi thị trường cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động, nguồn cung khan hiếm, giá xăng dầu liên tục tăng cao do sự phục hồi kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới làm tổng nhu cầu đối với mặt hàng xăng dầu tăng cao.
Giá dầu thô và các mặt hàng xăng dầu trên thị trường thế giới đã tăng rất mạnh, đỉnh điểm có lúc lên tới hơn 120 USD/thùng đã gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Trong nửa đầu năm 2022, thị trường mặt hàng xăng dầu trong nước trong 6 tháng đầu năm 2022 có nhiều biến động. Nguồn cung trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm mạnh công suất sản xuất và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết. Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.
Trước tình hình giá xăng dầu tăng cao, Bộ Tài chính đã liên tục trình các giải pháp giảm thuế Bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu (MFN) đối với xăng, thuế tiêu thụ đặc biệt… Bên cạnh đó, Liên Bộ Công Thương - Tài Chính đã chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại trong từng kỳ điều hành).
Ảnh minh họa |
Tất cả các giải pháp trên được đưa ra nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới khoảng 20%. Hiện giá xăng dầu trong nước đã có dấu hiệu giảm nhiệt trở về mức giá của trung tuần tháng 4. Tính đến nay, giá mặt hàng này đã trải qua 19 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 6 lần giảm. Hiện, giá xăng trong nước đã xuống mức 26.000 đồng/lít.
Gần đây nhất, trong ngày 21/7, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá xăng giảm 2.710 - 3.600 đồng/lít, còn các mặt hàng dầu cũng hạ 1.100 – 2.380 đồng/lít/kg. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 2.710 đồng/lít, xăng RON 95-III giảm 3.600 đồng/lít, dầu diesel giảm 1.740 đồng/lít, dầu hoả giảm 1.100 đồng/lít, dầu mazut giảm 2.380 đồng/kg.
Hiện giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 25.070 đồng/lít, xăng RON 95-III không cao hơn 26.070 đồng/lít, dầu diesel không cao hơn 24.850 đồng/lít, dầu hỏa không cao hơn 25.240 đồng/lít, dầu mazut không cao hơn 16.540 đồng/kg.
Như vậy, và với liên tiếp 3 kỳ điều hành giảm giá liên tiếp, tổng mỗi lít xăng E5 RON 92 đã giảm 6.229 đồng/lít và mỗi lít xăng RON 95 đã giảm hơn 6.800 đồng/lít. Theo các chuyên gia, đây là cơ hội để nhiều sản phẩm hàng hoá, dịch vụ giảm giá theo.
Đầu tiên có thể thấy, giá xăng dầu tác động không nhỏ đến các dịch vụ vận tải, đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng ô tô, xe máy để mưu sinh như các tài xế, xe ôm công nghệ.
Theo anh P – một tài xế taxi công nghệ cho biết, giá xăng tăng ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của các tài xế. Trước đây, khi giá xăng chỉ 20 nghìn đồng/lít, thu nhập mỗi ngày có thể được 200 – 300 nghìn đồng. Tuy nhiên, khi giá xăng tăng từ 22.000 đồng rồi lên 26.000 đồng, có thời điểm lên tới hơn 30.000/lít thì các taxi chạy hầu như không có tiền công. “Taxi công nghệ được tính tiền công dựa trên phần trăm cố định công ty trích trên doanh thu, nhưng khi giá xăng tăng phần lợi nhuận trích ra vẫn không thay đổi và giá cước cũng không được điều chỉnh nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Thậm chí nhiều tài xế tính phải bỏ nghề vì thu nhập không đủ bù đắp chi phí”, anh P chia sẻ.
Cũng theo anh P, việc giá xăng liên tiếp giảm mạnh khiến hoạt động tài xế cũng đỡ áp lực về các khoản chi phí. Nhiều tài xế taxi cũng không phải lo chuyển việc do không thể kiếm đủ sống với nghề.
Không chỉ taxi công nghệ, ngành vận tải cũng lao đao khi giá xăng tăng cao. Theo tính toán, giá xăng, dầu chiếm khoảng 35 - 40% chi phí đầu vào của ngành vận tải, chính vì vậy chi phí nhiên liệu tăng đã khiến ngành này gặp rất nhiều khó khăn. Việc giá xăng dầu giảm là một tín hiệu vô cùng mừng đối với các doanh nghiệp này.
Còn đối với đời sống người dân, giá xăng, dầu tăng cao cũng tác động mạnh mẽ đến sinh hoạt hằng ngày, bởi giá các mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo. Theo khảo sát giá xăng, dầu tăng khiến nhiều mặt hàng thiết yếu được điều chỉnh tăng lên. Hiện, giá cả nhiều loại thực phẩm như: Rau, củ, quả; thịt, hải sản… trung bình tăng từ 5 đến 10% với lý do được đưa ra là giá nhập, chi phí vận chuyển, đánh bắt thủy hải sản tăng cao do ảnh hưởng giá xăng dầu tăng cao.
Tuy nhiên, theo khảo sát, mặc dù giá xăng giảm khá sâu trong những đợt điều chỉnh giá vừa qua, nhưng giá hàng hóa tiêu dùng trên thị trường vẫn chưa giảm, thậm chí nhiều mặt hàng vẫn sẽ neo mức cao.
Theo các chuyên gia, việc giảm giá xăng dầu góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát, hỗ trợ đáng kể trong sản xuất và qua đó thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, đây là cơ hội để nhiều loại hàng hoá, dịch vụ giảm theo, nhất là các mặt hàng thực phẩm đã neo theo giá xăng dầu cao trong một khoảng thời gian dài.
Theo phân tích, khi giá xăng dầu tăng cao, doanh nghiệp, nhà buôn thường đẩy giá các mặt hàng tăng theo giá xăng dầu, nhưng khi giá xăng dầu giảm mạnh, việc giảm giá các mặt hàng tiêu dùng cũng như các dịch vụ vận tải thường chậm hơn, thậm chí vẫn giậm chân tại chỗ, tạo mặt bằng giá mới. Vì vậy, để bình ổn giá cả thị trường, hỗ trợ người dân, cần những quyết sách mạnh tay từ cơ quan quản lý trong việc giám sát giá cả hàng hóa.
Theo Minh Ngọc/vnmedia.vn
Bình luận