Tìm giải pháp kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Thái Lan - TP.HCM Các doanh nghiệp Ai Cập quan tâm đến hàng hóa của Việt Nam

Dịp Tết Nguyên đán đầu năm 2022, một số doanh nghiệp Việt Nam nhận được đề nghị xuất khẩu hạt điều số lượng lớn, mừng quá không ăn Tết mà huy động người làm, trả công gấp nhiều lần để đóng gói, kịp xuất hàng đi. Nhưng kết quả là hàng chục container hạt điều của 5 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Italy có nguy cơ mất trắng với trị giá hàng trăm tỷ đồng khi bị chiếm đoạt gần 40 bộ chứng từ gốc.

Đến nay vụ việc đã cơ bản được xử lý thành công với sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của Thương vụ Việt Nam tại Italy và các bộ, ngành liên quan, của Hiệp hội Điều Việt Nam, đặc biệt là sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, cũng như sự chủ động của các doanh nghiệp.

Giao thương quốc tế cần tìm hiểu kỹ thông tin đối tác để tránh rủi ro
Giao thương quốc tế cần tìm hiểu kỹ thông tin đối tác để tránh rủi ro.

Từ vụ việc này, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam nêu kinh nghiệm: "Nguyên nhân các doanh nghiệp Việt Nam bị lừa là quá tin tưởng vào công ty môi giới, không kiểm tra thông tin đối tác, công ty môi giới này đã hoạt động tại Việt Nam 15 năm và đều đặn hỗ trợ cho cả 5 doanh nghiệp bị lừa này, không xảy ra lừa đảo nên vẫn tin tưởng không kiểm tra thông tin đối tác”.

Trong thương mại quốc tế, vai trò của môi giới là rất quan trọng nhưng doanh nghiệp luôn cần có sự kiểm tra đối tác một cách độc lập. Nhiều nghi vấn đã bị bỏ qua, như việc thị trường Italia trong nhiều năm qua nhập khẩu số lượng hạt điều rất thấp. Các địa chỉ, thông tin về đối tác nhập khẩu sau đó được Thương vụ Việt Nam tại Italia tìm hiểu trực tiếp thì đều là thông tin giả.

Trụ sở các Công ty lừa đảo thậm chí là những ngôi nhà hoang nằm ở vùng biên giới hẻo lánh, nhưng quy mô và “uy tín” tự phong lại khá dễ dàng bị làm giả với sự trợ giúp của công nghệ số.

Ông Đặng Khánh Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao khuyến nghị, doanh nghiệp “đừng ngại” nhờ xác minh thông tin: “Kiểm tra xác minh kỹ và toàn diện thông tin đối tác nói rất nhiều rồi nhưng thực sự chúng tôi thấy việc thẩm tra xác minh là chưa nhiều. Không hiểu sao doanh nghiệp rất ngại liên hệ với thương vụ, với sứ quán trong việc xác minh. Bởi vì nhiều khi xác minh phải đến nơi mới nhìn thấy được. Chúng tôi đến nơi và nhìn thấy những doanh nghiệp này ở những địa chỉ không có thực, là công ty khác mà không ai biết. Chính vì thế công tác xác minh và thẩm tra cần phải làm trước”.

Đến nay, vụ việc hàng chục container hạt điều Việt Nam bị lừa xuất khẩu sang Italy đã cơ bản xử lý thành công. Nhưng bài học vẫn cần nói lại vì những vụ việc tương tự không phải là hiếm. Các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam luôn cần kiểm tra, xác minh kỹ lưỡng thông tin đối tác, nhất là những bạn hàng mới giao dịch lần đầu. Đồng thời, cần lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp, và nên có bộ phận pháp lý chuyên nghiệp hoặc thuê tư vấn pháp lý để tránh những gài cắm đầy tính toán từ đối tác trong hợp đồng. Đặc biệt, không thể bỏ qua những “nghi vấn” trong khâu thanh toán khi bị đốc thúc từ phía bạn hàng.

Việt Nam có nhiều ngành hàng xuất khẩu hàng đầu thế giới, nhất là về nông sản, nhưng đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất thiếu kinh nghiệm về phòng ngừa rủi ro trong thương mại quốc tế. Do đó, cẩn trọng không bao giờ là đủ trong giao thương quốc tế, để tránh những rủi ro có thể xảy ra./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/giao-thuong-quoc-te-can-tim-hieu-ky-thong-tin-doi-tac-de-tranh-rui-ro-post967754.vov