Hà Nội: Hơn 40.000 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm Nghỉ việc sau khi nghỉ không lương 7 tháng, có được nhận trợ cấp thất nghiệp? Gia tăng người lao động đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Giảm số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, Sở đã tiếp nhận và thẩm định hơn 57.300 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp; ra quyết định hưởng cho hơn 56.000 người đủ điều kiện với số tiền hỗ trợ trên 1.500 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho hơn 600 người với số tiền 2,7 tỷ đồng.

Số người không có việc làm hưởng bảo hiểm thất nghiệp 8 tháng qua trên địa bàn Thành phố giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm 2022 (8 tháng năm 2022, Thành phố tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 65.056 người).

Theo Sở LĐTBXH Hà Nội, để thúc đẩy giải quyết việc làm, giảm tỉ lệ lao động thất nghiệp trên địa bàn, Sở đã tham mưu với Thành phố triển khai nhiều giải pháp quan trọng, trong đó chú trọng việc kết nối và điều tiết cung - cầu lao động. Sở đã giao Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tổ chức đa dạng các phiên giao dịch việc làm để tăng cơ hội tiếp cận các cơ hội việc làm cho người lao động.

Hà Nội: Đa dạng các phiên giao dịch việc làm, giảm dần tình trạng thất nghiệp
Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội có xu hướng tăng. Ảnh minh họa.

Theo đó, trong 8 tháng qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã thực hiện được trên 170 phiên giao dịch việc làm, số lao động tiếp cận, đã nộp hồ sơ là gần 13.000 người. Bên cạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm hằng ngày, Trung tâm cũng phối hợp với các địa phương trên địa bàn tổ chức 10 phiên việc làm lưu động tại các quận, huyện. Các phiên chuyên đề dành cho đối tượng cụ thể cũng được tổ chức như người lao động yếu thế, xuất ngũ, người chấp hành xong án phạt tù…

Trong tháng 9 và thời gian tới, dự kiến đơn vị cũng phối hợp với một số trường đại học trên địa bàn thành phố tổ chức một phiên giao dịch việc làm bán thời gian dành cho sinh viên, hoặc lao động làm việc theo giờ và tổ chức thêm một số phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương của Thành phố. “Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức, thực hiện nhiều phiên giao dịch việc làm đa dạng hơn nữa, làm sao để giúp người lao động có việc, quay trở lại thị trường lao động”, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thông tin.

Gia tăng nhu cầu tuyển dụng

Các chuyên gia nhận định, tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội trong thời gian tới tiếp tục có những điểm sáng, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt, sản xuất công nghiệp khởi sắc, hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động, thu hút vốn đầu tư nước ngoài có những tín hiệu tích cực… Những điều này kéo theo tín hiệu tích cực đối với thị trường lao động, thúc đẩy nhiều doanh nghiệp gia nhập thị trường, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tiếp tục có sự tăng trưởng.

Theo số liệu thu thập của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các nhóm lĩnh vực chính như thương mại - dịch vụ, thường chiếm trên 90% tổng nhu cầu; ngoài ra là nhóm công nghiệp - xây dựng; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản... Dự kiến nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới của các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục có sự biến động, từ nay đến cuối năm cần tuyển mới khoảng từ 60.000 - 80.000 người lao động.

Dự báo những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động là: Hoạt động tài chính ngân hàng, bảo hiểm, thương mại - dịch vụ, bán buôn và bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng… Trong đó, ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ, các doanh nghiệp tập trung tuyển dụng nhân viên kế toán, nhân viên nghiên cứu thị trường, nhân viên quản lý chất lượng. Nhóm ngành bán buôn và bán lẻ, tuyển nhiều nhân sự ở vị trí nhân viên bán hàng, nhân viên thu ngân, nhân viên kinh doanh, nhân viên mua hàng. Với nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động ở vị trí công nhân sản xuất, công nhân lắp ráp linh kiện, kỹ sư cơ khí chế tạo máy. Còn về nhóm ngành xây dựng, các vị trí nhân viên giám sát kỹ thuật, kiến trúc sư, nhân viên kỹ thuật sự án… sẽ được tuyển dụng nhiều.

Như vậy, những người lao động mới tham gia thị trường lao động, người lao động thất nghiệp, người lao động yếu thế… vẫn có nhiều cơ hội việc làm. Kể cả những người lao động 35 tuổi trở lên hoàn toàn có thể tìm được công việc phù hợp với năng lực bản thân. “Khi có những lao động lớn tuổi đến Trung tâm Dịch vu việc làm Hà Nội thì chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận và có những tư vấn và giới thiệu việc làm ở vị trí phù hợp nhất” - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành Thành cho hay.

Trước thực tế nhiều doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động do đó sẽ yêu cầu khắt khe hơn về trình độ chuyên môn, tay nghề của người lao động, lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội khuyên người lao động cần chủ động cập nhật kiến thức, rèn luyện để nâng cao tay nghề, đáp ứng nhu cầu công việc. Với tay nghề được nâng cao, trong trường hợp rủi ro bị thất nghiệp, người lao động cũng sẽ dễ dàng hơn khi tìm kiếm được công việc mới để trở lại thị trường lao động.