Hà Nội: tăng cường gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp
Lợi ích kép
Xác định tầm quan trọng của việc gắn kết đào tạo với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, những năm gần đây, Trường Trung cấp Quốc tế Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Trọng Tiến - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện trường kí kết đào tạo với hơn 10 doanh nghiệp. Nội dung hợp tác tập trung vào giải quyết việc làm cho học sinh cũng như đảm bảo chỗ thực hành, thực tập đối với các mã ngành trọng điểm của nhà trường có liên quan là chăm sóc sắc đẹp, pha chế đồ uống và làm bánh.
“Sau khi ra trường, doanh nghiệp cam kết giải quyết việc làm cho toàn bộ sinh viên của nhà trường. Hiện ngành nghề tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao nhất là chăm sóc sắc đẹp, mức lương nếu đi làm nhân viên từ 8 - 15 triệu đồng/tháng, ăn theo sản phẩm. Ngoài ra, các em khi học xong chuyên ngành của nhà trường cũng có thể về tự mở cửa hàng về làm tóc, trang điểm, làm nail…”, ông Nguyễn Trọng Tiến chia sẻ.
Trình diễn nghề chăm sóc sắc đẹp tại một Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022. Ảnh minh họa. |
Lợi ích của việc gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nghề cũng được phía doanh nghiệp ghi nhận. Đại diện tuyển dụng của Công ty Dịch vụ mặt đất Sân bay Việt Nam (VIAGS) đánh giá cao sinh viên tốt nghiệp trường nghề và cho rằng, công ty đang rất quan tâm đến nhóm lao động này khi bước vào thị trường lao động. Theo nhà tuyển dụng này, thông thường ứng viên từ các trường nghề, đặc biệt liên quan đến chuyên ngành đào tạo về dịch vụ rất được nhà tuyển dụng tìm kiếm vì phù hợp cho doanh nghiệp. Việc ứng viên có quá trình thực hành kỹ năng nghề, am hiểu văn hóa ngành dịch vụ sẽ là một điểm cộng lớn cho doanh nghiệp trong quá trình đào tạo sau này. Còn Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lotte Property & Development Việt Nam Lee Sang Cheol thì cho rằng, hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động của thành phố Hà Nội, mà đỉnh cao là những Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động được Thành phố tổ chức hàng năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển, hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo và cung cấp những cơ hội việc làm tốt cho học sinh, sinh viên, người lao động.
Tiếp tục đẩy mạnh gắn kết trường nghề với doanh nghiệp
Bà Bạch Liên Hương - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội cho biết, trong những năm qua, chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chất lượng lao động Thủ đô ngày càng được khẳng định và nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Tỷ lệ lao động qua đào của Thành phố hiện đạt 72,23%, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,5%, chỉ số đào tạo lao động trong đánh giá “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI” của Thành phố trong những năm gần đây luôn đứng TOP 5 trong toàn quốc.
Một trong những lý do đưa tới tín hiệu vui trong công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển lực lượng lao động có kỹ năng phải nói tới việc những năm gần đây, Sở LĐTBXH Hà Nội đã tham mưu và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của Bộ LĐTBXH về phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn kết với thị trường lao động, điển hình là việc thường niên tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động.
Tư vấn tuyển sinh tại Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2023. Ảnh minh họa. |
Trong vòng 5 năm trở lại đây (2019-2023), đã có 4 lần Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động được tổ chức với quy mô lớn, thu hút gần 30.000 học sinh, sinh viên, phụ huynh, người lao động trên địa bàn Thành phố tham gia, hơn 5.000 lao động được tư vấn, tuyển dụng. Các Ngày hội đã tạo cơ hội gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, cập nhật kịp thời xu hướng phát triển của thị trường và nhu cầu tuyển dụng lao động, tiến tới việc liên kết đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đồng thời nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thành phố.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã hợp tác với 1.150 doanh nghiệp, tiếp nhận hơn 37.246 học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập; 92 doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với tổng kinh phí trên 7,2 tỷ đồng; 493 doanh nghiệp đặt hàng đào tạo với hơn 135.480 người; 519 doanh nghiệp tuyển dụng hàng chục ghìn học sinh, sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp với mức lương bình quân từ 8-15 triệu đồng…
Từ những kết quả đã đạt được, lãnh đạo Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu với Thành phố các giải pháp để tăng cường hơn nữa việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động. Hiện Sở đang yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với doanh nghiệp, từ đó biết nên đào tạo gì, thị trường lao động đang cần gì, chứ không phải đào tạo những gì mình có.
“Yêu cầu đặt ra trong năm nay cũng như các năm tiếp theo là chú trọng đào tạo những gì doanh nghiệp cần, vì vậy sự phối hợp giữa các doanh nghiệp và trường nghề đòi hỏi càng ngày càng gắn chặt hơn. Chính sự hợp tác này cũng là niềm tin đối với học sinh, sinh viên, bởi sau khi được đào tạo, ra trường các em sẽ có công ăn việc làm tốt”, lãnh đạo Sở LĐTBXH nhấn mạnh.
Bình luận