Du khách tấp nập vãn cảnh chùa Tây Phương những ngày đầu năm Chiều cuối năm vẫn tấp nập người mua, bán tại chợ Hàng Bè

Chợ Viềng là phiên chợ đầu năm họp vào đêm mùng 7, ngày mùng 8 tháng Giêng ở Nam Định. Địa điểm họp chợ như thường lệ kéo dài từ thị trấn Gôi (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) về xã Kim Thái đến xã Trung Thành (huyện Vụ Bản), trong đó khu vực trung tâm chợ là vùng xung quanh quần thể di tích Phủ Dầy ở xã Kim Thái.

Người ở xa thường về từ sớm, rậm rịch họp chợ từ 11, 12 giờ đêm mùng 7 và chợ họp hết cả ngày hôm sau. Chính vì chợ họp vào ban đêm nên nó còn có tên gọi khác là chợ "âm phủ".

Đây có thể coi là chuyến xuất hành đầu xuân năm mới nên mọi người đều rất háo hức. Diễn ra vào hai ngày nghỉ cuối tuần, cộng thêm lý do những năm qua phải tạm dừng tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ghi nhận của phóng viên, ngay từ đầu giờ chiều mùng 7 tháng Giêng, tất cả các nẻo đường về chợ Viềng đều đã tấp nập du khách thập phương.

Hàng vạn người nô nức rủ nhau về dự phiên chợ Viềng Nam Định
Ngay từ đầu giờ chiều mùng 7 tháng Giêng, tất cả các nẻo đường về chợ Viềng đều đã tấp nập du khách thập phương.

Qua biển số xe, dễ dàng nhận thấy du khách đến từ khắp các tỉnh thành như Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình… Ai nấy đều vui tươi, háo hức mong chờ được tham dự một phiên chợ vô cùng độc đáo vào ngày đầu năm mới.

Chị Đỗ Phương Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, ăn trưa ở Hà Nội xong, chúng tôi tranh thủ đi ô tô về Chợ Viềng sớm để tìm được chỗ gửi xe, đi muộn sẽ rất vất vả trong việc tìm nơi trông giữ phương tiện. "Thông thường, bất kể ai đi chợ Viềng cũng có tâm lý muốn mua được một thứ gì đó mang về để cầu may vì người ta cho rằng đây là cách đơn giản để mua "lộc", rước "lộc" về nhà", chị Hoa cho biết thêm.

Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cho phiên chợ, Ủy ban nhân dân huyện Vụ Bản đã yêu cầu thị trấn Gôi, các xã Kim Thái, Trung Thành thực hiện giải tỏa các hành lang giao thông trên địa bàn và các trục quốc lộ; không để tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, bán cây, hàng quán, gây ùn tắc, cản trở giao thông, đặc biệt là tuyến Quốc lộ 10, Quốc lộ 37B, khu vực Đền thờ nghĩa trang Liệt sỹ huyện đến sân vận động huyện, Quốc lộ 38B - đường xuống Phủ Vân Cát đi xã Kim Thái.

Ban Tổ chức đã quy định cụ thể từng khu vực kinh doanh, dịch vụ trong chợ; tổ chức hợp lý các bến bãi trông giữ phương tiện giao thông, tránh hiện tượng nâng ép giá; phối hợp với các ngành thành viên của Ban chỉ đạo để giải quyết, xử lý các tệ nạn hành khất, cờ bạc, trộm cắp, đổi tiền lẻ, kinh doanh hàng cấm, trò chơi kiếm tiền bất hợp pháp trong thời gian diễn ra chợ Viềng...

Hàng vạn người nô nức rủ nhau về dự phiên chợ Viềng Nam Định
Càng về đêm, dòng người đổ về Chợ Viềng càng nhiều. Hàng nghìn du khách chen chân tại các cửa ra vào.

Càng về đêm, dòng người đổ về Chợ Viềng càng nhiều. Hàng nghìn du khách chen chân tại các cửa ra vào. Việc di chuyển và giao dịch, ngắm nghía hàng hóa rất khó khăn khi mọi người chỉ có thể nhích từng bước.

Trong tâm trạng háo hức, ông Trần Bá Giao (thành phố Hải Dương) cho biết, đoàn chúng tôi cũng như nhiều đoàn khác, trước tiên bao giờ cũng rẽ vào đền Trần tại thành phố Nam Định để lễ và cầu mong sức khỏe, bình an cho gia đình và người thân. Sau đó cả đoàn đi ăn tối và rẽ sang chợ Viềng thì cũng đã tầm 22h - 23h. Tất cả các con đường dẫn vào chợ đều đã chật cứng bởi hàng vạn người ken chặt vào nhau. Xe ô tô của đoàn chúng tôi luôn phải gửi từ ngoài xa hàng km và đi bộ vào chợ.

Nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông suốt thời gian diễn ra phiên chợ, Công an tỉnh Nam Định đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với Công an các huyện Vụ Bản, Nam Trực huy động 100% quân số. Theo đó, 170 cán bộ, chiến sỹ công an các huyện có chợ Viềng và 30 cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Nam Định cũng đã được lệnh tăng cường làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông, đảm bảo an ninh trật tự và các tình huống có thể phát sinh.

Hội chợ Viềng, khu hội chợ chính nằm trong thôn Trung Thành nhưng bao xung quanh nó là cả một quần thể di tích, như đình chùa, đền phủ, lăng tẩm, rất đẹp như lăng Mẫu, đền Vua, chùa Long Vân, chùa Cao, Phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, đình ông Khổng, Phủ Dầy...

Các di tích này được Bộ Văn hóa xếp hạng là "di tích lịch sử văn hoá". Cụm di tích này chủ yếu thờ bà chúa Liễu Hạnh - một nhân vật văn hoá dân gian vừa giống như có thật, vừa như truyền thuyết, Bà được dân gian phong Thánh, vừa được sắc phong như Thần, vừa được coi như bà Chúa, cô Tiên...

Ðiều quan trọng hơn cả là sự tích và hình tượng bà Chúa Liễu đã đi vào tâm thức và trở nên bất tử trong lòng mọi người dân trong vùng. Cho nên dù là người bản địa hay khách thập phương về đây không chỉ đi dự hội chợ Viềng mà còn để đi lễ chùa, đền phủ Bà Chúa để cầu may cầu lộc đầu xuân. Người ta có thể đến dự hội trước sau đó đi lễ đền hoặc đi đền cầu may rồi mới đi hội chợ.