Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao
Tăng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi Đổi đời nhờ nuôi "chuột nứa" Nuôi chồn nhàn hạ mà hiệu quả kinh tế cao |
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại nuôi bò nằm trên cánh đồng xã Thọ An, huyện Đan Phượng, Hà Nội, ông Trần Văn Thắng cho biết, năm 2012, ông bắt đầu nuôi giống bò cỏ truyền thống.
Năm 2014, ông mở rộng trang trại, các giống bò ngoại chất lượng cao như bò 3B, bò Brahman... đã được gia đình ông đưa vào chăn nuôi.
Mô hình nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình ông Trần Văn Thắng. |
Ban đầu gia đình ông nuôi với số lượng vài chục con, nhận thấy hiệu quả kinh tế mà mô hình đem lại, ông Thắng mở rộng mô hình có thời điểm số lượng bò trong trại lên tới vài trăm con.
Để đàn bò đạt chất lượng thịt cao, ông đã chủ động học hỏi kiến thức, kết hợp với kinh nghiệm tích luỹ trong nghề, tự phối trộn thức ăn tạo dinh dưỡng phù hợp cho bò trong từng giai đoạn sinh trưởng. Nâng cao hiệu quả chăn nuôi, ông đầu tư hệ thống uống nước tự động, áp dụng công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường.
Khu chăn nuôi của gia đình ông Thắng cách xa khu dân cư và được xây dựng với hệ thống xử lý môi trường bảo đảm an toàn cho chăn nuôi. Khi mô hình chăn nuôi thuận lợi, ông đầu tư cơ sở giết mổ, chế biến thịt bò. Với mô hình chăn nuôi, phân phối khép kín, không phụ thuộc thương lái đã giúp ông Thắng giảm được nhiều chi phí, đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 15 - 20 lao động trong vùng.
Với những thành tích đạt được trong suốt hành trình dài gắn bó với mô hình chăn nuôi, năm 2022 ông Thắng vinh dự được bình chọn là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Chia sẻ về những hiệu quả đã đạt được, ông Thắng cho biết: “Muốn phát triển vững từ chăn nuôi thì phải đầu tư công nghệ, kết hợp chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường đồng thời người nông dân phải không ngừng tìm tòi, học hỏi để cập nhật, đổi mới và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong tất cả các khâu sản xuất.
Để có được kết quả như ngày hôm nay, tôi tích lũy kinh nghiệm đúc rút ra từ những lần vấp ngã, học hỏi những người trong nghề, tham quan, học các mô hình chăn nuôi ở nước ngoài về áp dụng cho mô hình của mình…”.
Tương tự, ông Lê Hữu Giang (xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai) cũng là một trong số những nông dân đi đầu, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm nông nghiệp truyền thống. Hiện ông Giang đang sở hữu trang trại nuôi gà đẻ lấy trứng với tổng đàn hơn 20.000 con.
Ông đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm thay đổi phương thức sản xuất, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế thị trường.
Gia đình ông Lê Hữu Giang (thôn Ngô Đồng) là gia đình có quy mô chăn nuôi lớn ở xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, hiện đang sở hữu trang trại nuôi gà đẻ lấy trứng với tổng đàn hơn 20.000 con. |
Toàn bộ hệ thống chuồng nuôi được ông đầu tư một cách bài bản, có hệ thống thông gió, dàn lạnh, chuồng nhốt, máng ăn, uống... Các công đoạn từ thức ăn, nước uống… của hàng chục ngàn con gà gần như tự động hoàn toàn. Mỗi chuồng nuôi được đánh số, cập nhật theo dõi qua sổ nhật ký điện tử nên lượng thức ăn, sức khỏe của vật nuôi được giám sát.
Đặc biệt, ông đã kết nối thành công thiết bị điện, máy đo nhiệt độ, độ ẩm với chiếc điện thoại thông minh. Bất kỳ sự cố nào về điện như mất điện đột ngột hay nhiệt độ cao sẽ được báo về điện thoại ngay lập tức. Nhờ đó, ông đã tiết kiệm được nhiều thời gian trong quy trình chăm sóc gà mái đẻ, hạn chế thấp nhất rủi ro gà bị ngạt khí.
Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền xã về hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng sản phẩm OCOP, trứng gà đẻ của gia đình ông Giang luôn có thị trường tiêu thụ ổn định.
Với quy mô sản xuất, chăn nuôi và ấp nở trứng gia cầm như hiện nay, trung bình mỗi ngày trang trại gà của ông xuất bán ra thị trường khoảng vài ngàn quả trứng. Gà đẻ ngày nào đều có đại lý đến trực tiếp mua, mang về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.
Bình luận