Hướng tới xã hội không dùng tiền mặt
Đi chợ thời công nghệ số: Mua hàng không cần tiền mặt |
Hội thảo "Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt" với khoảng 400 khách mời có sự hiện diện và phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Trung tướng Tô Văn Huệ - Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội; ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế; bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... cùng lãnh đạo Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam và các ngân hàng thương mại như Sacombank, MBBank, Vietcombank, VPBank, HDBank,… tổ chức trung gian thanh toán.
Lãnh đạo các bộ, ngành, ngân hàng, doanh nghiệp tập trung trao đổi 2 chủ đề chính của hội thảo là: Chuyển đổi số ngành ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và Ứng dụng thanh toán không tiền mặt trong thực tiễn.
Bà Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - phát biểu về thanh toán không dùng tiền mặt. (Ảnh: Nguyễn Khánh) |
Hội thảo "Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt" được tổ chức nhằm tiếp tục góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ tại Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử là xu hướng phát triển chủ đạo tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, cả các nước phát triển lẫn đang phát triển, đặc biệt trong bối cảnh số hóa sâu rộng các ngành, lĩnh vực và sự nổi lên của các hoạt động gắn liền với nền kinh tế số.
Các ngân hàng đã ưu tiên đầu tư nguồn lực để tập trung chuyển đổi số trước do giao dịch thanh toán, vốn chiếm phần lớn trong các giao dịch ngân hàng, thanh toán liên quan mật thiết tới cuộc sống thường nhật, thiết yếu của người dân và đóng vai trò cửa ngõ để kết nối thuận tiện với các dịch vụ, nghiệp vụ ngân hàng - tài chính khác như tiền gửi, tiết kiệm, vay vốn, bảo hiểm, quản lý tài chính cá nhân… và cả những dịch vụ ngoài ngân hàng như gọi xe, vé xem phim, đặt nhà hàng/tour du lịch, dịch vụ y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe…
Đại diện lãnh đạo Kho bạc Nhà nước, Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, Tập đoàn VNPT, NAPAS, Mastercard tại phiên thảo luận với chủ đề "Chuyển đổi số ngành ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội" . (Ảnh: T.T.D) |
Từ những nỗ lực của toàn ngành, thực tế thời gian qua hoạt động chuyển đổi số ngân hàng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là hoạt động thanh toán, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Ứng dụng mobile banking, ví điện tử không đơn thuần chỉ để chuyển tiền, vấn tin mà người dân còn có thể sử dụng đa dạng các tiện ích như thanh toán hoá đơn, thương mại điện tử, mua vé xem phim, vé máy bay, tour du lịch…
Ngược lại, người dân cũng có thể sử dụng gián tiếp các dịch vụ ngân hàng thông qua các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ khác như mua trả góp, mua trước - trả sau…
Đến nay tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%; nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm...; nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số; gần 70% người trưởng thành có tài khoản thanh toán; khoảng 1,1 triệu tài khoản mobile money đã được mở, khoảng 60% trong đó được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...
Hệ thống thanh toán hoạt động thông suốt, an toàn đáp ứng được hầu hết các nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế; các phương thức, dịch vụ thanh toán mới hiện đại trên thế giới (như: thanh toán qua mã phản hồi nhanh QR, thanh toán tiếp xúc gần NFC, mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử... đã được triển khai thực hiện tại Việt Nam) với chi phí hợp lý.
Toàn cảnh Hội thảo "Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt". (Ảnh: T.T.D) |
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau 3 năm tổ chức, sự kiện "Ngày không tiền mặt" đã khẳng định được ý nghĩa, sức lan tỏa lớn khi nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo của người dân, doanh nghiệp.
Hành vi, kỳ vọng người tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, số hóa dịch vụ sâu rộng và tác động đa chiều của dịch Covid-19 đã khiến thanh toán số trở thành xu hướng tất yếu trong nền kinh tế và ưu tiên của người dùng.
Để đáp ứng nhu cầu - xu hướng đó, ngành ngân hàng đã đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng thanh toán, hệ thống công nghệ thông tin, triển khai công nghệ mới, giải pháp tiên tiến để thiết kế, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, thanh toán an toàn, thuận tiện, giá cả phù hợp theo hướng lấy khách hàng làm trọng tâm.
Ngân hàng Nhà nước cũng tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục, và đẩy mạnh triển khai kết nối, tích hợp thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia...
Theo Hà Phong/laodongthudo.vn
Bình luận