Khiếu nại liên quan đến kinh doanh trên không gian mạng tăng rất nhanh
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trong sự bùng nổ của thương mại điện tử, việc thi hành Luật đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn...
Trong bối cảnh đó, việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang rất được trông đợi, với nhiều kỳ vọng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn, đặc biệt với những lĩnh vực đặc thù, trong đó có không gian mạng.
Hiện, Chính phủ (giao Bộ Công Thương) đã hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 này, trong đó có chương riêng quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó có không gian mạng.
Việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang rất được trông đợi. (Ảnh minh họa: BT) |
Tại Tọa đàm trực tuyến “Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng”, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, hàng năm Cục này nhận được hơn 10 nghìn cuộc gọi phản ánh, khiếu nại tố cáo các vấn đề liên quan đến tranh chấp kinh doanh, liên quan đến vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Số lượng các khiếu nại tố cáo liên quan đến kinh doanh trên không gian mạng tăng lên rất nhanh và chiếm thứ hai trong tổng số lượng đơn thư (chiếm 15,4%)…
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Dự thảo đã bổ sung một chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù. Từ đó, giao dịch từ xa, bao gồm giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, là một trong 3 loại hình quan trọng thuộc giao dịch đặc thù.
Điểm đáng lưu ý là Dự thảo đã bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng. Quy định trách nhiệm đối với tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian, tổ chức, cá nhân kinh doanh được xác định là nền tảng số lớn…
Đồng thời, đưa ra các quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số như: Cấm ép buộc hoặc ngăn cản người tiêu dùng đăng ký sử dụng hoặc sử dụng nền tảng số trung gian khác như điều kiện bắt buộc để sử dụng dịch vụ; cấm sử dụng các biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;...
Góp ý vào Dự thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng là một vấn đề hết sức mới mẻ ở Việt Nam và thế giới. Vì vậy, việc thiết kế, xây dựng dự thảo luật lần này muốn bảo đảm tính khả thi đòi hỏi cần phải tiếp tục tổng kết, đánh giá từ thực tiễn của Việt Nam, chắt lọc bài học kinh nghiệm của quốc tế để đưa ra được những quy định phù hợp, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách vừa bảo đảm tính bền vững, lâu dài.
Theo Thống kê của Bộ Công Thương, mặc dù nền kinh tế chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19, thế nhưng, thương mại điện tử vẫn là một trong số ít những ngành duy trì tăng trưởng đạt 16% và quy mô thị trường 13,7 tỷ USD trong năm 2021. Thương mại điện tử Việt Nam được xếp thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, dự báo đến năm 2025 quy mô thị trường sẽ đạt 57 tỷ USD. Trong khi đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được ban hành cách đây 12 năm, quá trình áp dụng thực tiễn cũng cho thấy nhiều tồn tại, bất cập thời gian qua, nhất là khi hoạt động thương mại điện tử ngày một “nở rộ”, tuy nhiên, Dự thảo Luật sửa đổi vẫn chưa có những quy định về việc bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng, vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần sớm hoàn thiện trong thời gian tới. |
Bảo Thoa
Bình luận