Không chỉ tăng lương cơ sở, cần tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên
Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non Ngoài tăng lương cơ sở, nhân viên y tế mong mỏi được tăng phụ cấp nghề |
Nhận làm thêm đủ nghề để duy trì nghề giáo
Lương thấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng khiến cuộc sống của nhiều giáo viên gặp khó khăn. Thầy cô vừa giảng dạy, vừa phải làm thêm nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập vì không thể trông chờ vào đồng lương.
Cô giáo Lê Thị Uyên - giáo viên Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật (Hưng Yên) cho biết, cuộc sống của giáo viên, đặc biệt là giáo viên mới vào nghề khốn khó vô cùng, nhiều người phải chật vật mưu sinh để bám nghề.
Cô nói, không ít giáo viên ngoài việc giảng dạy còn làm thêm đủ nghề như cắt chỉ thuê, nhận may gia công, bóc hành... Thậm chí có những giáo viên tranh thủ thời gian nghỉ hè 2-3 tháng đi làm công nhân thời vụ ở các khu công nghiệp để thêm thắt được đồng nào hay đồng đó.
"Nỗi lo cơm áo gạo tiền bủa vây khiến giáo viên không thể ổn định cuộc sống và chuyên tâm vào công việc. Sáng chiều cần mẫn trên lớp, buổi tối nhận việc về làm thêm, bên cạnh đó vẫn phải soạn giáo án, chấm bài cho học sinh, chăm lo cho gia đình… Thật sự có quá nhiều áp lực" - cô Uyên nói.
Cô Lê Thị Uyên - giáo viên Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật (Hưng Yên). Ảnh: NVCC |
Làm 5 công việc cùng một lúc - giáo viên, MC đám cưới, tráp ăn hỏi, vẽ tranh thuê, phun xăm thẩm mỹ, cô Huyền - giáo viên mầm non tại Bắc Giang mới đủ kinh tế nuôi 2 con ăn học.
Cô nói: "Mọi người hay bảo, cuối tuần tôi như người nổi tiếng, "chạy show" khắp nơi. Họ nói cũng không sai vì tôi làm đủ nghề để kiếm sống. Những ngày trong tuần, tôi đi dạy, làm tròn nhiệm vụ của một giáo viên, tối về làm tráp ăn hỏi cho khách đặt trước. Còn cuối tuần, tôi đi vẽ, nhận làm MC đám hỏi.
Vào nghề từ năm 2012, hiện hàng tháng chỉ nhận về gần 5 triệu đồng. Nếu chỉ trông chờ vào lương thì không thể nuôi 2 con ăn học, càng không đủ chi trả cho cuộc sống".
Mong mỏi tăng phụ cấp ưu đãi nghề
Trước tình trạng lấy nghề tay trái nuôi nghề tay phải, nhiều thầy cô cho rằng cần sớm tăng lương, tăng phụ cấp cho giáo viên để họ ổn định cuộc sống, chuyên tâm vào công tác giảng dạy.
Cô Nguyễn Thị Văn - giáo viên Trường THPT Chuyên Bình Long (Bình Phước) cho biết, công việc giảng dạy diễn ra cả ngày, thậm chí buổi tối còn dạy miễn phí cho đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia tới 22h đêm. Mỗi ngày trước khi lên lớp, cô thức cố đến 2-3h sáng để soạn giáo án. Toàn bộ thời gian của tôi dành cho việc giảng dạy nên không có nguồn thu nhập từ công việc khác.
Tôi khá hài lòng với mức lương của mình nhưng nhiều giáo viên trẻ khác có mức lương thấp, họ cũng phải sống, cũng cần lo cho gia đình, nhưng đồng lương eo hẹp nên phải co kéo chi tiêu, không thực sự thoải mái.
Mong mỏi lớn nhất của tôi hiện nay là tăng lương kèm theo tăng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100%, tăng càng sớm càng tốt. Đây sẽ là động lực to lớn khích lệ chúng tôi nỗ lực cống hiến cho ngành giáo dục” - cô Văn bộc bạch.
Cô Nguyễn Thị Văn - giáo viên Trường THPT Chuyên Bình Long (Bình Phước). Ảnh: NVCC |
Đồng quan điểm, cô Lê Thị Bá - giáo viên Trường THCS Lê Quốc Việt (Tiền Giang) cho biết, lương thấp nhưng giáo viên vẫn bám nghề bởi tình yêu nghề và sự tâm huyết với học sinh.
Công tác trong ngành Giáo dục đã 32 năm, mức lương hiện tại của cô là 12 triệu đồng. Cô vẫn phải làm ruộng, bởi tiền lương chi tiêu cho cả gia đình một tháng và nuôi con học đại học không thể đủ.
"Để ngăn chặn và giảm số lượng giáo viên thôi việc, vấn đề cấp bách là tăng lương, tăng phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo, nhất là với giáo viên mầm non và tiểu học.
Đặc biệt là những giáo viên mới ra trường, với mức lương 3-4 triệu đồng thì thực sự không thể sống được. Việc tăng lương sớm kết hợp với tăng phụ cấp nghề giáo lên 100% sẽ là sự động viên kịp thời, mang nhiều ý nghĩa trong việc cải thiện đời sống giáo viên và nâng cao chất lượng của ngành giáo dục”- cô Bá nêu quan điểm.
Theo
/laodong.vn
Bình luận