Lãi suất tăng, người gửi mừng, người vay lo lắng
Chính phủ yêu cầu rà soát giảm thuế, phấn đấu giảm lãi suất cho vay Áp lực với lãi suất cho vay |
Chị Mai Hương (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) đang liên hệ một ngân hàng thương mại hỏi thủ tục vay khoảng 700 triệu đồng để mua căn hộ chung cư ở quận Bắc Từ Liêm. Chị được nhân viên tín dụng một ngân hàng thương mại nhà nước thông báo lãi suất vay hiện tại khoảng 10,5%/năm trong 2 năm đầu.
Chị Hương kể, một ngân hàng khác nhỏ hơn báo lãi suất vay mua nhà lên tới 13%/năm và thả nổi theo thị trường. Thấy mức lãi này cao quá nên chị đang cân nhắc xem có nên vay ngân hàng hay tìm nguồn tiền khác.
Lãi suất huy động tăng đang tạo áp lực cho người vay vì lãi suất cho vay cũng có xu hướng tăng. (Ảnh: KP) |
Không chỉ lãi suất vay mới tăng, nhiều khách hàng có khoản vay cũ gần đây cũng nhận được thông báo của ngân hàng về việc tăng lãi suất. Theo anh Nguyễn Văn Dũng (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội), từ tháng 10/2022, anh phải tốn thêm vài triệu đồng/tháng cho khoản vay mua ôtô.
“Năm đầu tiên, tôi chỉ trả lãi 7%/năm, sau đó điều chỉnh theo thị trường. Theo cam kết ban đầu với ngân hàng, lãi suất mà tôi phải trả sẽ không quá 10,45%/năm nhưng nay họ thông báo tăng lên tới 12,2%/năm. Từ khoảng 11,5 triệu đồng/tháng lên hơn 14 triệu đồng/tháng cả gốc lẫn lãi, nếu tăng nữa sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chi tiêu của gia đình tôi”, anh Dũng lo lắng.
Sức ép lãi suất cho vay ngày càng tăng trong bối cảnh lãi suất huy động không ngừng “nóng” lên. Mới đây, một loạt ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động, trong đó, nhiều ngân hàng đã nâng mức lên trên 8,5%/năm.
Thực tế, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động liên tục nhích lên, mức lãi 8% - 9%/năm hiện không còn là chuyện hiếm thì việc lãi suất cho vay tăng là điều khó tránh khỏi.
Theo một số chuyên gia ngành tài chính, thời điểm này, các nhà đầu tư nên nhắm tới việc đầu tư trung và dài hạn, hạn chế đầu tư lướt sóng, kèm theo kế hoạch rõ ràng về dòng tiền, hạn chế vay. Với người mua nhà để ở, chi phí lãi vay có xu hướng tăng nên các chính sách bán hàng của chủ đầu tư sẽ là yếu tố quan trọng để cân nhắc quyết định.
Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong quý IV/2022 của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho thấy các tổ chức tín dụng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục tăng trong quý IV. Bất chấp mặt bằng lãi suất đi lên, nhu cầu vay vốn của khách hàng quý sau vẫn tăng hơn quý trước, nhất là nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh lãi suất những ngày gần đây liên tục tăng, Ngân hàng Nhà nước đã có những hành động khá quyết liệt để hạ nhiệt thị trường.
Báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra thị trường 35.000 tỷ đồng trong 3 ngày đầu tuần này. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục sử dụng cơ chế đấu thầu lãi suất và lãi suất thị trường mở (OMO) dao động ở mức 6,3% - 6,9% cho kỳ hạn 7 ngày. Nhờ vậy, lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt về cuối tuần. Công bố của Ngân hàng Nhà nước cho thấy lãi suất liên ngân hàng ngày 12/10 tiếp tục giảm từ 0,04 - 0,3%/năm so với ngày trước. Theo đó, lãi suất kỳ hạn qua đêm xuống còn 6,62%/năm; kỳ hạn 1 tuần còn 7,05%/năm; 2 tuần còn 7,22%/năm; 1 tháng 6%/năm…
Bình luận