Ngân hàng mở room tín dụng, có rộng cửa cho các doanh nghiệp bất động sản?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Sẽ điều chỉnh nới room tín dụng vào tuần sau NHNN đốc thúc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% |
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có những điều chỉnh room tín dụng cho các ngân hàng, tạo điều kiện vay thuận lợi cho các doanh nghiệp.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam đánh giá, đối với ngành bất động sản, việc nới room tín dụng được kỳ vọng sẽ giúp thị trường này phục hồi và tái phát triển.
Trong nửa đầu năm 2022, dòng vốn cho thị trường bất động sản bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sự suy giảm của thị trường trái phiếu.
Tuy nhiên, ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo cho biết đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này.
Tâm lý nhà đầu tư bất động sản xuống thấp, người mua nhà tỏ ra dè dặt nên các dự án khó bán. |
Cụ thể, các ngân hàng đã thông báo điều chỉnh hạn mức room tín dụng như Sacombank 4%; Agribank 3,5%; MB 3,2%; Vietcombank 2,7%; TPBank 1,2% SHB 3,2%; OCB 3,1%; VIB 3%; …
Theo TS. Sử Ngọc Khương, việc siết chặt tín dụng nhằm giúp Nhà nước có cơ hội chọn lựa và ưu tiên những doanh nghiệp, dự án có dòng tiền tốt ở các lĩnh vực khác nhau, tùy vào thời điểm và tình hình kinh tế. Ngoài ra, động thái này sẽ hạn chế việc vay tín dụng xấu, gây khó khăn cho các ngân hàng.
“Thông báo điều chỉnh room tín dụng mới nhất của Ngân hàng Nhà nước là một động thái bẻ khóa tiền tệ tích cực, giúp trực tiếp bơm nguồn tiền vào nền kinh tế hậu Covid-19, từ đó tiếp sức cho các lĩnh vực và ngành nghề bao gồm dịch vụ, sản xuất, kinh doanh và bất động sản” - TS. Sử Ngọc Khương nói.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ hồi phục và phát triển kinh tế mạnh nhất thế giới trong giai đoạn sau đại dịch, giúp quốc gia thu hút nhiều sự quan tâm và nguồn đầu tư nước ngoài. Sau khi Chính phủ mở lại các chuyến bay quốc tế từ tháng 10 năm 2021, các ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch và khách sạn, đã được hưởng lợi lớn.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những vướng mắc về hành lang pháp lý trong nhiều dự án bất động sản ở Việt Nam, gây do dự cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, TS. Sử Ngọc Khương phân tích thêm.
Thị trường bất động sản đang trải qua thời kỳ tái cân bằng. Giá nhà sẽ tăng do chi phí tăng, thanh khoản sẽ giảm. |
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đang trải qua thời kỳ tái cân bằng. Giá nhà sẽ tăng do chi phí tăng, thanh khoản sẽ giảm. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng thận trọng hơn trong đầu tư.
"Nếu không được tháo gỡ, có thể thị trường bất động sản có một giai đoạn đóng băng dài và gây đổ vỡ cho các doanh nghiệp. Vì vậy, cần có các chính sách hỗ trợ để quá trình tái cân bằng của thị trường diễn ra” - TS. Nguyễn Văn Đính đánh giá.
Trước đây, mặc dù có sự liên đới nhưng vấn đề tương trợ giữa thị trường vốn với thị trường bất động sản chưa được chú trọng, dẫn đến tình trạng phát triển thiếu đồng bộ, trong đó thị trường vốn chưa hỗ trợ kịp thời khi các kênh dẫn vốn vào ngành bất động sản ách tắc.
“Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ không làm cản trở doanh nghiệp đủ năng lực, có kết quả hoạt động kinh doanh tốt trong việc huy động vốn phục vụ mục tiêu phục hồi, phát triển. Điều này vô cùng ý nghĩa trong bối cảnh dòng vốn đang có những ách tắc chung trên toàn thị trường” - TS. Nguyễn Văn Đính nói.
Thực trạng “mua dễ, bán khó” đang hiện hữu trên thị trường bất động sản. Tâm lý nhà đầu tư xuống thấp, người mua nhà tỏ ra dè dặt nên các dự án khó bán. Hơn nữa, khi nguồn vốn tắc nghẽn sẽ dễ dẫn đến nguy cơ các dự án nhà ở hình thành trong tương lai nói riêng, thị trường bất động sản nói chung rơi vào tình trạng “nằm im, thở khẽ”.
Dòng tiền khơi thông trên thị trường bất động sản sẽ là một điểm tựa giúp thị trường bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp tái cơ cấu lại./.
Theo Phương Hoài/VOV.VN
Bình luận