Thêm một ngân hàng tham gia, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã tăng lên 145.000 tỷ đồng SHB mở rộng quy mô gói tín dụng 16.000 tỷ đồng, lãi suất từ 4,8%/năm

Lượng người vay mua nhà chiếm tỷ lệ nhỏ

Theo khảo sát thực tế tại các ngân hàng thương mại, từ đầu tháng 11/2024 đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà hiện dao động trong khoảng từ 4,6 - 9,5%/năm. Đây được coi là mức lãi suất khá hấp dẫn đối với người mua nhà.

Ngân hàng Agribank có mức lãi suất cố định trong 6 tháng đầu tiên là 6%/năm; 6,5%/năm cố định 12 tháng đầu hoặc 7%/năm cố định 24 tháng đầu.

Lãi suất ưu đãi vay mua nhà tại BIDV 5,2%/năm áp dụng cho 6 tháng đầu tiên, hoặc lãi suất 6%/năm cố định trong 24 tháng đầu. Sau ưu đãi, lãi suất vay mua nhà sẽ thả nổi và được tính bằng mức lãi suất huy động 12 tháng cộng biên độ 4%.

VietinBank đưa ra gói vay để xây dựng, sửa chữa nhà với lãi suất: Cố định 6%/năm trong 12 tháng đầu; cố định 6,5%/năm trong 18 tháng, cố định 6,7%/năm trong 24 tháng đầu, hoặc cố định 8,2%/năm trong 36 tháng đầu.

Người dân không mặn mà với việc vay vốn giá rẻ để mua nhà
Nhiều người dân không mặn mà với việc vay vốn giá rẻ để mua nhà.

Gói vay mua nhà đất tại Vietcombank với lãi suất cũng khá hấp dẫn, cụ thể như: Chỉ từ 5,5%/năm trong 6 tháng đầu tiên với các khoản vay dưới 24 tháng, từ 5,7%/năm trong 12 tháng đầu tiên với những khoản vay trên 24 tháng, 6,5%/năm cố định trong 2 năm đầu tiên.

Nhóm ngân hàng tư nhân cũng đưa ra nhiều gói vay hấp dẫn. Tại VPBank với 4,6%/năm cố định trong 3 tháng; 5,9%/năm cố định trong 6 tháng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, mặc dù thị trường vẫn chưa phục hồi như kỳ vọng, nhưng đến cuối quý III/2024, dư nợ tín dụng “đổ” vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.274.233 tỷ đồng, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà chỉ chiếm khoảng trên 125.800 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy lượng người vay mua nhà chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

Giá nhà neo cao khiến người dân e ngại

Tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” diễn ra mới đây, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV dẫn chứng, tính đến hết tháng 9, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm gần 21% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, cho vay kinh doanh bất động sản tăng 16%, còn cho vay mua nhà ở chỉ tăng 4,6%. Mặc dù cải thiện so với năm ngoái, nhưng mức tăng này vẫn thấp.

“Diễn biến cho thấy nhu cầu vốn đang tập trung vào phía cung thị trường, tức các nhà phát triển, đầu tư bất động sản. Trong khi đó, người dân ít có nhu cầu vay mua nhà đất”, ông Cấn Văn Lực dẫn chứng.

Cũng theo ông Lực, có thể thấy lãi suất không phải nguyên nhân của tình trạng trên, bởi thời gian qua, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà xuống mức rất thấp, giảm khoảng 3% so với năm ngoái.

“Lý do chính người dân ít có nhu cầu vay mua nhà là giá nhà vẫn neo ở ngưỡng rất cao, dù nhiều chủ đầu tư tung ra các chính sách kích cầu, ưu đãi thời gian qua. Trong khi công việc, thu nhập của người dân thực tế vẫn rất khó khăn, nên họ ngại phải vay một khoản tiền lớn để có thể sở hữu nhà ở. Người dân thấy giá nhà quá cao, nên họ phải chọn cách trì hoãn và chờ đợi thị trường có sản phẩm giá phải chăng”, ông Lực nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, một thực trạng mà thị trường bất động sản đang gặp phải là cơ cấu sản phẩm nhà ở chưa hợp lý, thiếu nhà giá rẻ, nhà ở vừa túi tiền.

Người dân không mặn mà với việc vay vốn giá rẻ để mua nhà
Giá nhà hiện vẫn neo ở mức cao là trở ngại đối với nhiều người có nhu cầu về nhà ở.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2021 đến nay, phân khúc nhà ở dưới 3 tỷ đồng hoàn toàn vắng mặt trên thị trường. Còn nhà ở xã hội, đến nay cũng chỉ có khoảng trên dưới 12.000 căn.

“Nhà cao cấp áp đảo thị trường trong khi sản phẩm bình dân vắng bóng, dẫn đến thị trường phát triển thiếu ổn định và bền vững”, ông Châu nói.

Cần bình ổn giá bất động sản

Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VPBanks, động lực tăng trưởng tín dụng toàn ngành phụ thuộc vào bất động sản, đặc biệt là cầu vay mua nhà. Tuy nhiên, giá nhà neo cao thời gian qua khiến người dân ngại vay mua nhà. Trong khi đó, dù lãi suất cho vay mua nhà đã hạ nhiệt song vẫn đứng ở mức cao.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay mua nhà có thể mang lại lợi ích nhất định trong ngắn hạn, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân. Tuy nhiên, đây chưa phải là giải pháp toàn diện để giải quyết triệt để vấn đề sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Mấu chốt của vấn đề vẫn nằm ở giá nhà quá cao so với thu nhập của người dân, cùng với sự thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội và các gói hỗ trợ vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, việc cần thiết phải làm lúc này là bình ổn giá bất động sản.

Ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh, cần thiết xây dựng và áp dụng chính sách thuế bất động sản, bởi công cụ này sẽ điều tiết thị trường khi bị đầu cơ sốt nóng hoặc khi khó khăn, đóng băng. Tuy nhiên, ông lưu ý cần có nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu giao dịch và giá bất động sản chính xác, thường xuyên cập nhật, tạo cơ sở áp dụng.

Đồng quan điểm đó, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách thuế là công cụ quan trọng để điều tiết thị trường bất động sản, giúp duy trì sự ổn định, khuyến khích đầu tư và phát triển bền vững.

“Việc đánh thuế sẽ giảm tình trạng đầu cơ và tăng cường tính ổn định thị trường bất động sản. Việc áp dụng thuế chuyển nhượng giúp làm giảm sự tham gia của các nhà đầu cơ, vốn chỉ tìm cách tạo ra lợi nhuận nhanh chóng, mà không có giá trị lâu dài cho nền kinh tế. Thị trường sẽ trở nên ổn định hơn, tránh được các cơn sốt đất và bong bóng bất động sản”, ông Long nói.