Người dân vùng cao làm nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu
Trong đó, đóng vai trò quan trọng là chuyển đổi diện tích cây nông nghiệp ngắn ngày không hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả theo mô hình nông lâm kết hợp; đề xuất lồng ghép vấn đề định hướng sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGap vào kế hoạch của bản, xã.
Theo đó, Dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực của nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương đối với biến đổi khí hậu ở Tây Bắc Việt Nam - VOF” được triển khai trong giai đoạn 2019-2022, nhằm hướng tới hỗ trợ đồng bào dân tộc tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của biến đổi khí hậu tại vùng Tây Bắc Việt Nam thông qua việc thúc đẩy nông nghiệp thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu và sự tham gia của người dân vào quá trình sản xuất.
Người dân vùng cao tích cực tham gia mô hình cấy lúa theo phương pháp SRI. |
Dự án do Hiệp hội Tổ chức Xã hội Dân sự Đan Mạch (CISU) tài trợ, thông qua Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA) và do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) điều phối các hoạt động, phối hợp thực hiện cùng với Hội Nông dân tỉnh Sơn La và Lai Châu.
Thông tin tại hội nghị tổng kết Dự án, ông Cầm Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết: Dự án đã góp phần tăng cường vai trò của người dân trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong đó, đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi diện tích cây nông nghiệp ngắn ngày không hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả theo mô hình nông lâm kết hợp; đề xuất lồng ghép vấn đề định hướng sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGap vào kế hoạch của bản, xã.
Các hoạt động của dự án cũng từng bước tác động làm thay đổi nhận thức của người dân về ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất, chăn nuôi và nắm được các kiến thức về trồng cây ăn quả theo mô hình nông lâm kết hợp; nuôi bò thịt và bò đực giống; ủ thức ăn cho gia súc; ủ phân từ phân thải chăn nuôi và phế phẩm nông nghiệp…
Ông Vàng Văn Chẻo bên thửa ruộng áp dụng phương pháp SRI. |
Ông Vàng Văn Chẻo, Trưởng nhóm Nông dân ứng phó biến đổi khí hậu tại Bản Hợp 1, xã Bản Lang (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) thông tin, tại Hợp 1, lúa nếp tan là loại cây có nhiều tiềm năng về thị trường do đây là một trong những đặc sản nông nghiệp của vùng Phong Thổ.
Song phương pháp canh tác truyền thống tại đây chưa thực sự tối ưu, lại phải chịu ảnh hưởng từ các hiện tượng khí hậu cực đoan nên năng suất thu được không cao. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một năm học tập để chuyển đổi sang kỹ thuật canh tác lúa cải tiến, than thiện môi trường SRI, từ 5ha đầu tiên, nông dân không chỉ thu về năng suất cao, chất lượng hạt tốt mà còn làm giảm đáng kể các tác động tiêu cực tới môi trường.
Ông Vàng Văn Chẻo cũng chia sẻ, trước đây, khi chưa áp dụng phương pháp SRI vào cấy lúa, trung bình mỗi sào ruộng (1.000m2) của gia đình ông phải cần đến 5kg thóc giống mới đủ, không những thế đến cuối vụ, thu hoạch năng suất không được cao. Nhưng từ khi được cán bộ hướng dẫn gieo, cấy theo phương pháp mới thì lượng thóc giống giảm xuống, chỉ còn 3 kg/sào; ngoài ra tiết kiệm được nhân công, chí phí khác… đặc biệt là bảo vệ môi trường sinh thái.
Kết quả khả quan từ mô hình đã thu hút nhiều nông dân khác trong Bản Hợp 1 cùng tham gia, nâng tổng diện tích lúa nếp tan áp dụng phương pháp mới lên 30ha và số lượng thành viên nhóm Nông dân ứng phó biến đổi khí hậu tại Bản Hợp 1 lên 38 hộ gia đình từ năm 2021. Nhóm cũng thành công ký kết hợp tác cùng Công ty TNHH MTV Giống Vật tư Nông nghiệp Tây Bắc để thúc đẩy sản phẩm tiếp cận thị trường.
Bình luận