Nợ xấu bất động sản tại Vietcombank dưới 1%
Bốn ngân hàng được nới thêm hạn mức tín dụng |
Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng: Tín dụng đối với bất động sản của toàn ngành ngân hàng là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao. (Ảnh: VGP) |
Đại diện ngân hàng quốc doanh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững diễn ra sáng nay (17/2), ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết về tín dụng với bất động sản, doanh nghiệp định hướng của ngân hàng là mở rộng đi đôi với kiểm soát an toàn, tập trung lĩnh vực bất động sản sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Ngân hàng có từng cơ chế riêng cho từng phân khúc bất động sản.
“Với những tăng trưởng về dư nợ tín dụng, Vietcombank khẳng định thời gian qua không hạn chế hay điều kiện gây khó khăn với lĩnh vực bất động sản. Đối với phân khúc bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất, đây là lĩnh vực tiềm năng đóng vào sự phát triển của các địa phương nên Vietcombank ưu tiên áp dụng các chính sách ưu đãi về lãi suất.
Đối với bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, văn phòng cho thuê..., ngân hàng dự kiến triển khai đồng bộ các giải pháp như cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, áp dụng chính sách ưu đãi đối với các khoản vay mới. Đặc biệt, Vietcombank sẽ tập trung vào các doanh nghiệp có năng lực tài chính, có khả năng triển khai dự án tốt”, ông Tùng nói.
Đối với phân khúc nhà ở, đất ở, ông Tùng cho biết hơn 90% dư nợ ở Vietcombank là cho vay người mua nhà, ngân hàng tập trung cho vay cá nhân mua nhà ở thực, thu nhập ổn định, minh bạch. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng định hướng duy trì tài trợ các dự án thuộc phân khúc bất động sản nhà ở đáp ứng pháp lý, có mức giá phù hợp với đa số người dân.
“Về chất lượng tín dụng bất động sản tại Vietcombank, đến hết năm 2022, nợ xấu đối với lĩnh vực bất động sản dưới 1%”, ông đánh giá.
Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc về vấn đề tín dụng bất động sản, lãnh đạo Vietcombank cho biết có những thay đổi về văn bản pháp lý, chính sách qua các thời kỳ, một số dự án được cấp phép nhưng vẫn bị thu hồi dẫn đến kéo dài triển khai dự án, tăng chi phí và gây khó khăn trong việc cấp tín dụng của các ngân hàng.
“Tương quan với các nước trong khu vực, giá nhà Việt Nam đang ở mức rất cao so với mức thu nhập của người dân, việc lựa chọn phân khúc để đầu tư của nhiều chủ đầu tư trong thời gian qua chưa hợp lý, đặc biệt tồn tại tình trạng đầu cơ về bất động sản”, ông Tùng nêu thực trạng.
“Đề xuất Chính phủ đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn thị trường trái phiếu, giảm áp lực cung nguồn vốn từ tín dụng; hoàn thiện hành lang pháp lý, sửa đổi các nghị định thủ tục hành chính, cấp phép cho dự án; bộ ngành địa phương có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích sản phẩm bình dân... Riêng đối với doanh nghiệp cần tái cấu trúc cơ cấu, hướng đến sản phẩm nhu cầu thực, nhà ở thương mại, bình dân”, ông Tùng đề xuất.
Ông Tùng nhấn mạnh với lĩnh vực bất động sản thời gian tới, Vietcombank cam kết cùng 3 ngân hàng thương mại nhà nước còn lại triển khai hiệu quả gói tín dụng ưu đãi cho người mua nhà với phân khúc bình dân.
Bình luận