Ngành dệt may: Chuyển đổi để thích ứng trong khó khăn Ngành dệt may nỗ lực vượt khó

"Nữ tướng ngành may"

Nữ doanh nhân ‘dám nghĩ, dám làm’, đưa ngành dệt may vươn xa  - Ảnh 1.
Bà Ninh Thị Ty - Nữ doanh nhân ‘dám nghĩ, dám làm’, đưa ngành dệt may vươn xa. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với chúng tôi, bà Ninh Thị Ty cho biết, ngày còn bé, nhà nghèo nên vừa đi học, bà đã biết mua lạc, mua hạt dẻ để rang bán trước cửa rạp chiếu phim, lấy tiền giúp gia đình. Với độ tuổi đáng lẽ còn "mải ăn mải chơi" như thế, việc làm ấy quả thật rất hiếm hoi. Có lần bà chia sẻ: "Có lẽ sự lạc quan và ý chí của tôi được thừa hưởng từ mẹ mình. Ngày xưa bà ở trong đội Việt Minh, nhanh nhẹn tháo vát và rất thông minh. Cuộc đời của bà, ý chí nghị lực rất lớn của bà là cảm hứng truyền lại cho tôi rất nhiều. Cộng với thời gian khá dài học tập ở Đức đã giúp tôi học hỏi và rèn luyện, hun đúc thêm sức mạnh tinh thần".

Sau 10 năm học từ nước Đức trở về, bà đã chuẩn bị cho mình đầy đủ hành trang của một kỹ sư ngành may và bắt tay vào công việc một cách say mê và hào hứng. Bà đem hết những gì đã được học để đóng góp cho sự phát triển của ngành và được mệnh danh là "nữ tướng của ngành may" vì đã có tới hai lần vực dậy các công ty may trên bờ vực phá sản.

Bà Ty nhớ lại: "Tháng 11/1995, khi được giao tiếp quản Xí nghiệp May thời trang Trương Định nay là Công ty CP May Hồ Gươm trong tình trạng vô cùng khó khăn, tài khoản không còn một đồng nào, máy móc, thiết bị, nhà xưởng ọp ẹp, cũ kỹ… Lúc đó, tôi đã cùng các đồng nghiệp quyết không nản chí, từng bước ổn định tổ chức, sắp xếp lại các dây chuyền sản xuất cho hợp lý, tích cực tìm nguồn hàng để phát triển sản xuất. Chỉ sau một năm, xí nghiệp đã đi vào ổn định, năng suất lao động tăng cao, đời sống cán bộ công nhân được cải thiện rõ rệt, xí nghiệp đã thoát khỏi tình trạng khó khăn về tài chính".

Từ năm 1999, bà bắt tay vào mở rộng kinh doanh may mặc và là người tiên phong trong việc đưa hàng may mặc Việt Nam tới thị trường Mỹ. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, bà đã đầu tư đa dạng hoá mặt hàng đặc biệt cho công nghệ may gia công xuất khẩu bộ comle, áo vest cao cấp.

Khi May Hồ Gươm đã đi vào ổn định và phát triển tốt, tháng 11/2006, Tập đoàn Dệt may Việt Nam lại giao cho bà tiếp quản Công ty CP May Chiến Thắng trong tình trạng làm ăn thua lỗ kéo dài.

Để vực dậy công ty, bà đã tập trung sắp xếp lại tổ chức, giảm các phòng ban gián tiếp, bố trí lại lao động, chấn chỉnh lại nề nếp làm việc, đặc biệt quyết định tăng lương cho người lao động nhằm ổn định tình hình. May Chiến Thắng cơ bản đã giải quyết được phần lỗ cũng như các khoản nợ đọng và đi vào phát triển sản xuất…

"Chèo lái con thuyền" dệt may vượt bão COVID-19

Cho đến cuối năm 2019, đầu năm 2020, khi tất cả doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam đang hồ hởi, phấn khởi vì Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã được ký kết thì lại nghe tin dịch bệnh ở Vũ Hán, Trung Quốc xảy ra (ngành dệt may Việt Nam nhập khẩu xấp xỉ gần 60% nguyên vật liệu tư Trung Quốc).

Hiện nay, các nhà máy thuộc công ty ở khắp các tỉnh, thành như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Tây, Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Kạn… với gần 10.000 công nhân có việc làm ổn định, thu nhập trung bình từ 7-10 triệu đồng/ người/tháng. Tốc độ tăng trưởng 20-30%/ năm, chủ yếu làm các sản phẩm may mặc xuất khẩu ra thị trường: Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…

"Trước tình hình đó, doanh nghiệp dệt may chúng tôi bước vào giai đoạn khó khăn, có những đơn hàng mặc dù đã xác nhận giá với khác rồi nhưng giờ phải chuyển nguồn cung cấp tại Việt Nam và mua tại một số nước khác. Dù giá có thể cao hơn và thời gian giao hàng có thể trễ hơn nhưng để bảo vệ quyền lợi và công ăn việc làm cho người lao động thì chúng tôi buộc phải chấp nhận", bà Ty chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, dịch bệnh lại tiếp tục bùng phát ở châu Âu và Mỹ. Đây là hai thị trường chính, đầu ra của dệt may Việt Nam (xuất khẩu gần 50% sang Mỹ, gần 40% là châu Âu, chỉ khoảng 5-10% là các thị trường khác). Như vậy thị trường chính đầu ra của ngành dệt may Việt Nam đang bị co hẹp nhanh chóng.

"Mỗi buổi sáng nhân viên chúng tôi mở email ra là sợ nhất nhận được email của khách hàng hủy đơn, điều này đặt lên vai chủ doanh nghiệp là rất nặng nề, bởi đằng sau mình là bao nhiêu gia đình (doanh nghiệp tôi gần 6.000 công nhân là gần 6.000 gia đình). Đây là một gánh nặng vô cùng khó khăn và khắc nghiệt", bà Ninh Thị Ty nhớ lại.

Trong lúc trăn trở như vậy, bà Ty đã nhớ đến Thông điệp của Thủ tướng và Chính phủ lúc đó là "Chống dịch như chống giặc". Ngay hôm sau, bà đã họp với Ban lãnh đạo công ty để xác định rõ giải pháp cho doanh nghiệp mình.

Vậy giải pháp ra sao? Lúc đó bà đã hướng vào thị trường nội địa và xác định đây chính là thời kỳ để tái cấu trúc doanh nghiệp. Bà Ty cho rằng: "Cũng như cơ thể chúng ta sau một thời gian cần thanh lọc và doanh nghiệp chúng ta cũng vậy". Từ đó bà rà soát lại toàn bộ các khâu, từ khâu định mức nguyên phụ liệu, định mức nhân sự, vấn đề tài chính... và chuyển hướng may khẩu trang. Ngoài dệt may Đông Xuân thì doanh nghiệp bà là doanh nghiệp đầu tiên làm khẩu trang bởi bà biết rằng thị trường lúc đó đang rất cần.

Với dịch COVID-19, bà Ninh Thị Ty vẫn thể hiện bản chất thép của mình. Nếu như ai nấy đều rất lắng lo trước việc cả thế giới ào ào đóng cửa, ngừng đặt hàng dệt may, thì bà vẫn cứ tự tin với quan niệm "Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa". Bà hiểu rằng, mình đang nắm trong tay đội ngũ người lao động vững tay nghề, làm việc chăm chỉ… thì dù có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa, bà sẽ cùng họ vun vén giải quyết hiệu quả.

"Lấn sân" sang lĩnh vực nông nghiệp

Dường như không lúc nào bà chịu ngơi nghỉ, đứng yên. Bà luôn trăn trở với những ý tưởng mới. Thành công trong lĩnh vực may mặc, mấy năm gần đây, nữ doanh nhân Ninh Thị Ty bắt đầu tính toán hướng phát triển nông nghiệp sạch. Bà nhìn thấu tiềm năng xuất khẩu rau quả Việt Nam và đau đáu mở ra cơ hội mới cho ngành nông nghiệp nước nhà.

Sau khi dành thời gian sang Israel để tìm hiểu cách họ làm nông nghiệp, bà quyết định chọn "bài toán khó nhất" để thử thách bản thân, đó là trồng lá tía tô xuất khẩu sang Nhật Bản. Đầu tư trang trại sản xuất quy mô gần 12ha, hệ thống máy móc, thiết bị, quy trình gieo trồng tía tô tuân theo quy chuẩn của người Nhật. Bởi bà tin rằng, Nhật Bản tuy là thị trường khó tính nhất nhì thế giới, nhưng khi đã tin thì họ rất gắn bó và mong muốn làm ăn lâu dài.

"Tôi cũng nghĩ rằng nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc nhất của bất kì nền kinh tế nào. Lựa chọn đầu tư vào nông nghiệp là tôi muốn đóng góp thêm vững chắc trụ cột của đất nước và chia sẻ để mọi người cùng dấn thân vào nông nghiệp, một lĩnh vực rất bền vững…", bà Ty nói.

Theo bà Ninh Thị Ty, Việt Nam đã trải qua nhiều khó khăn, chúng ta đã chiến thắng kẻ thù. Một trong những nguyên nhân là chúng ta bình tĩnh, không sợ hãi, hoảng loạn. Đợt dịch COVID-19 cũng vậy. Lần này chúng ta có sự kiên quyết, chủ động từ Chính phủ ngay từ sớm và toàn dân đồng lòng, đoàn kết, tương thân tương ái để vượt qua khó khăn.

"Hy vọng thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành, có những chính sách thiết thực và hữu ích hơn nữa để doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng phát triển", bà Ninh Thị Ty mong muốn.

Với những nỗ lực và sự phấn đấu không mệt mỏi, trong nhiều năm qua, bà Ninh Thị Ty đã được nhiều tổ chức trong và ngoài nước trao tặng các danh hiệu, bằng khen, huân huy chương. Bà và tập thể công ty đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2007; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2008; Cúp "Bông Hồng Vàng" - Giải thưởng do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam dành cho bà và 20 phụ nữ Việt Nam xuất sắc năm 2005. Đặc biệt, năm 2009, bà đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới"

Theo Diệu Anh/chinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/nu-doanh-nhan-dam-nghi-dam-lam-dua-nganh-det-may-vuon-xa-102221010155523132.htm