P/E thấp, liệu có phải là cơ hội để tích lũy cổ phiếu?
Trong báo cáo mới công bố của ACBS cho rằng, VN-Index tiếp tục lao dốc trong tháng 5 và giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 ở mức 1.156 điểm (giảm 15% so với đầu tháng) trước khi phục hồi trong những tuần cuối cùng và đóng cửa tháng giảm 5,4%.
Thanh khoản tổng thể trên các thị trường sụt giảm sâu trong tháng 5 với giá trị giao dịch trung bình hàng ngày giảm 32% so với tháng trước, mặc dù có một điểm sáng là thanh khoản của các quỹ ETF trong nước tăng 40% so với tháng trước.
Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trên VN-Index tháng thứ 2 liên tiếp với giá trị 137 triệu USD (giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm chỉ còn 7,6 triệu USD).
Trong đợt đánh giá thường niên chỉ số MSCI Equity vào tháng 5, có 6 cổ phiếu Việt Nam được thêm vào rổ, bao gồm DIG, DGC, KDH, DPM, SSI và VND, phản ánh sự phát triển không ngừng của thị trường và doanh nghiệp Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư toàn cầu.
Theo đó, P/E của VN-Index đã giảm về 13,9 từ mức 14,9 của tháng 4 trước đó, đem đến mức giá hấp dẫn cho các nhà đầu tư nắm giữ tiền mặt có thể tích lũy cổ phiếu ở mức định giá tương đối thấp.
Hiện, P/E của VN-Index vẫn thấp hơn mức trung bình của các thị trường ASEAN và duy trì mức định giá hấp dẫn với P/E dự phóng là 12,3 và tăng trưởng thu nhập ở mức 21,2%, cao hơn nhiều so với các thị trường ngang hàng khác.
Cùng với đó, ROE hiện tại của VN-Index khoảng 15,9%, nằm trong số các thị trường có tỷ suất sinh lợi cao nhất. Với mức tăng EPS dự kiến 21,2% cho năm 2022 của, ACBS dự đoán tỷ suất sinh lợi kép dự kiến cho giai đoạn 2020-2022 của VN-Index sẽ đạt khoảng 18,2%.
Từ đó cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua cơn bão đại dịch rất tốt so với các nước cùng khu vực. Cùng với P/E kỳ vọng ở mức 12,3, thị trường Việt Nam hiện tương đối hấp dẫn để đầu tư trong dài hạn so với các thị trường ngang hàng.
Dựa trên P/E trung bình 3 năm gần nhất là 15,8 lần và kỳ vọng thu nhập, ACBS xây dựng kịch bản chỉ số VN-Index sẽ kết thúc năm ở mức gần 1.660 điểm, tương đương với mức F.P/E là sấp xỉ 12,3 lần vào cuối tháng 5/2022.
Việc nối lại các chuyến bay quốc tế trên toàn thế giới; kết hợp với tác động tích cực từ gói tài khóa và tiền tệ của Chính phủ Việt Nam, thu nhập doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tăng và bội số thu nhập sẽ quay trở lại ở mức 16,2 lần, kết quả chỉ số VN-Index sẽ đạt mức 1.800-1.900 điểm, tương ứng với F.P/E 2022 là 11,3 lần vào cuối tháng 5/2022.
Trong khi đó, tại kịch bản kém tích cực hơn, lo ngại gia tăng về lạm phát, các ngân hàng trung ương sẽ phản ứng nhanh và mạnh trước áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và việc tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điều này có thể dẫn đến thu nhập giảm so với kỳ vọng và định giá thị trường giảm do sự thờ ơ của nhà đầu tư. Kết quả, VN-Index sẽ giao dịch quanh mức 1.450 điểm, tương đương F.P/E là 12,7 lần vào cuối tháng 4/2022.
Chứng khoán hôm nay 13/6, VN-Index có thanh khoản ở mức tương đối, với 733,4 triệu đơn vị, tương đương 18.523,2 tỷ đồng. Tuy nhiên việc chỉ có 38 mã tăng, 4 mã trần, 16 mã đứng giá, nhiều nhà đầu tư phải chứng kiến khối tài sản của mình tiếp tục sụt giảm chỉ trong vài giờ. Như vậy VN-Index đã chọc thủng mốc 1.284 giảm 57,04 điểm, âm 4.44%, đang ở mức 1.227,04 điểm cùng 458 mã giảm với 163 mã giảm sàn. Trong rổ VN30 có duy nhất POW (Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam) tăng 0,25 điểm tương đương 1,7%, còn lại 29 mã giảm mạnh, 7 mã giảm sàn. HNX-Index giảm 18,07 điểm (-5,9%) xuống 288,37 điểm. Nhìn chung, các cổ phiếu giảm mạnh hầu hết thuộc nhóm tài chính, như VPBank, TPBank, Vietinbank, Bảo Việt, SSI đều giảm sàn. Một số cổ phiếu ngân hàng khác giảm sàn như LienVietPostBank, MSB, VIB, OCB, MB... Nhóm cổ phiếu bất động sản với 4 mã tăng, bao gồm: HD8 tăng 7,8%, HU6 tăng 6%, SZG tăng 1,6%, V21 tăng 2,6% còn lại giảm mạnh. Nhóm bảo hiểm có duy nhất PGI tăng 0,5%, BMI, BVH, PTI lần lượt giảm sàn, còn lại chìm trong sắc đỏ. Ở nhóm dầu khí, OIL giảm đến 11,3%, 3 mã không có giao dịch và 3 mã giảm sàn lên đến âm 10%. |
Bình luận