Sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn Góp ý hoàn thiện các vấn đề về nông nghiệp trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Đánh giá thực trạng phát triển nông nghiệp Hà Nội từ sau 2008

Đây là quan điểm của GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đưa ra tại hội thảo “Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, do Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức, nhằm đề xuất chính sách sửa đổi Luật Thủ đô.

Theo ông Trần Đức Viên, cần đánh giá thực trạng phát triển nông nghiệp và nông thôn Hà Nội từ sau 2008 đến nay, làm cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh đến 2030, tầm nhìn 2050.

Mục tiêu ngành nông nghiệp Hà Nội không nhất thiết phải là tập trung sản xuất hàng hóa có lợi thế để xuất khẩu hay cung cấp cho thị trường trong nước như các tỉnh thành khác, mà quan trọng là cần cung cấp thực phẩm tươi sống đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp các sản phẩm giá trị cao cho Thành phố.

Phát triển nông nghiệp Hà Nội: Cần dựa trên lợi thế thị trường và con người
GS.TS Trần Đức Viên phát biểu tham luận tại hội thảo. (Ảnh: HL)

Đồng thời, cung cấp nguyên liệu, vật liệu, giống có chất lượng cao với hàm lượng “chất xám” cao cho các tỉnh lân cận. Đảm bảo vai trò dự trữ, nâng cấp và điều chuyển tài nguyên (đất, nước, con người), xử lý môi trường (rác thải, nghĩa trang), phục vụ cảnh quan cho Thành phố. Các hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp thông thường nên dành cho các địa phương khác.

Cụ thể, Thành phố cần tạo ra quỹ đất hợp lý gắn với cơ sở hạ tầng thuận lợi và môi trường sinh thái cho các thành phố vệ tinh đã quy hoạch. Hình thành các không gian để phát triển vùng đệm giảm tải cho thành phố Hà Nội, kéo giãn các trường đại học, các khu sản xuất, các khu dân cư đô thị ra vùng nông thôn, gắn với môi trường nông thôn (ví dụ trường hợp khu đô thị Ecopark).

Với các vùng nông thôn, các vùng có cảnh quan, có giá trị lịch sử, văn hóa đặc thù, gắn với du lịch, cần đảm bảo giữ nguyên bản sắc văn hóa, tạo không gian xanh (ví dụ như Đường Lâm, Miếu Môn, Cổ Loa, Ba Vì,…) để phát triển du lịch sinh thái. Còn với những địa bàn có lợi thế về địa hình, sinh cảnh, cảnh quan tự nhiên, đặc thù như vùng rừng, núi, mặt nước lớn như Sóc Sơn, Xuân Mai, cần qui hoạch, phát triển thành các vùng cung cấp nước dự trữ, vùng thoát lũ khi cần thiết, phát triển du lịch sinh thái, đô thị nhà vườn...

Tại khu vực nội thành, thiết lập vành đai xanh dọc theo sông Nhuệ kết nối các không gian mở và hệ thống công viên đô thị, giảm tối đa mật độ xây dựng, tiến tới không phát triển dân cư đô thị chỉ có các công trình công cộng sinh thái cây xanh và mặt nước.

Tại các khu vực ngoại ô, hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao; hình thành các trung tâm tiểu vùng trong huyện là các thị trấn hoặc thị tứ về sản xuất nông nghiệp như: sản xuất lúa tại Thanh Oai, chăn nuôi bò sữa tại Ba Vì, nuôi trồng thủy sản tại Mỹ Đức, trồng rau an toàn tại Đông Anh, Sóc Sơn, trồng cây ăn quả tại Đan Phương, trồng hoa tại Mê Linh, điểm dân cư tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tại Thường Tín, Chương Mỹ...

Phát triển nông nghiệp Hà Nội: Cần dựa trên lợi thế thị trường và con người
Nông dân ngoại thành thu hoạch rau. (Ảnh: HL)

Cũng theo GS.TS Trần Đức Viên, trên cơ sở hình thành các vùng chuyên canh, cần triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển các sản phẩm gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản nông nghiệp Hà Nội; kết nối thị trường tiêu thụ các sản phẩm này không chỉ tại thị trường Hà Nội mà còn đến các tỉnh và địa phương lân cận, cũng như định hướng xuất khẩu.

Thí điểm các mô hình “ngân hàng đất”

Ông Nguyễn Tiến Định, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Hà Nội hiện có trang trại nông nghiệp nhiều nhưng quy mô nhỏ, chủ yếu trong giới hạn hạn điền (dưới 20ha). Vì vậy, Hà Nội cần thí điểm các mô hình “ngân hàng đất” thu hút diện tích đất của nông dân không có nhu cầu sản xuất, để cho chủ các trang trại thuê lại lâu dài 20-30 năm.

Phát triển nông nghiệp Hà Nội: Cần dựa trên lợi thế thị trường và con người
Sản xuất nông nghiệp đang đáp ứng 50 - 60% nhu cầu lương thực, thực phẩm cho Thành phố. (Ảnh: Bảo Thoa)

Đồng thời, chính sách ưu đãi, hỗ trợ trang trại nên thiết kế theo hướng đặt hàng theo đầu ra. Trong đó, các trang trại chuyên môn hóa càng cao, quy mô lớn, liên kết bền vững, sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, ứng dụng IT, kinh tế tuần hoàn sẽ được hỗ trợ, ưu đãi cao hơn.

Quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, PGS. TS Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý, cần xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Đẩy mạnh triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất sử dụng phế phẩm nông nghiệp vào trồng trọt, khuyến khích mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; khuyến cáo, thậm chí cấm đốt rơm rạ, đốt nương rẫy, cấm các cơ sở chăn nuôi xả thải gây ô nhiễm...

Hà Nội hiện có 24 quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp, dân số tại các vùng ngoại thành nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 50% dân số Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp đang đáp ứng 50 - 60% nhu cầu lương thực, thực phẩm cho Thành phố, nông nghiệp vẫn giữ vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế Thủ đô và chiếm vai trò chủ đạo trong vùng Thủ đô.

Trong khi đó, chính sách, pháp luật để giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân nói chung và của Thủ đô nói riêng còn nhiều bất cập; thiếu các cơ chế, chính sách hữu hiệu để giải quyết những vấn đề tồn tại, hạn chế và những vấn đề mới phát sinh.

Luật Thủ đô hiện hành và những cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô hiện không có những quy định về vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân của Thủ đô. Chính vì vậy, việc đề xuất chính sách về xây dựng, phát triển nông nghiệp nông thôn và nông dân trong Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết, tạo sự cân bằng, hài hòa, bền vững trong sự đầu tư, phát triển Thủ đô.

Hiện nay, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được thành phố Hà Nội tích cực chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai thực hiện ở khâu lập đề nghị xây dựng Luật để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.