Quảng Nam: Thống nhất lập quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Nam Thăng Bình
Đánh thức tiềm năng kinh tế biển từ hạt nhân Khu kinh tế Chu Lai Phát triển hạ tầng xã hội cho người lao động tại các khu công nghiệp |
Một khu công nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. (Ảnh minh họa: Văn Luận) |
Ngày 2/8, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành văn bản gửi Sở Xây dựng; Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh (Ban Quản lý) về quy mô lập quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Nam Thăng Bình.
Theo đó, sau khi xem xét đề nghị của Ban Quản lý, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất đề xuất lập quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Nam Thăng Bình thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai có quy mô 655 ha.
Đối với phần diện tích hiện trạng tập trung đông dân cư không khả thi khi thực hiện giải phóng mặt bằng sẽ xem xét, kiến nghị điều chỉnh sau khi quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt và rà soát, điều chỉnh quy hoạch 1737.
UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Xây dựng nghiên cứu ý kiến của Bộ Xây dựng tại công văn số 1917/BXD-QHKT ngày 31/5/2022 về góp ý đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Nam Thăng Bình; công văn số 2155/UBND-KTN ngày 8/4/2022 của UBND tỉnh để hướng dẫn Ban Quản lý thực hiện hồ sơ quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Nam Thăng Bình đảm bảo theo quy định.
Trước đó hồi tháng 3, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn gửi Bộ Xây dựng về việc xin ý kiến đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Nam Thăng Bình (tỷ lệ 1/2000).
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch tại các xã Bình Sa, Bình Nam, Bình Trung và Bình Tú thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ranh giới có phía đông bắc giáp vệt cây xanh đường Võ Chí Công; phía đông nam và tây nam giáp đất nông nghiệp, làng xóm; phía tây bắc giáp Khu công nghiệp công nghệ cao Thăng Bình.
Về tính chất, Khu công nghiệp Nam Thăng Bình là khu công nghiệp sinh thái. Tỉnh Quảng Nam định hướng bố trí, thu hút ngành nghề đầu tư vào khu công nghiệp theo quy định của khu công nghiệp sinh thái, các ngành nghề mang tính chất cộng sinh; không thu hút ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, thu hút ngành nghề công nghiệp chế biến thực phẩm đồ uống; sản xuất hàng tiêu dùng, hàng gia dụng; sản xuất hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ dược liệu thiên nhiên; công nghiệp sản xuất hàng điện tử, điện gia dụng, điện công nghiệp, viễn thông, truyền hình, công nghệ thông tin,...
Bình luận