Tháng 7, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 22,5%
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tính chung 7 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 237,6 nghìn tỷ đồng, bằng 43,3% kế hoạch năm và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 42,3% và tăng 6,3%).
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,54 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng có 67 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 313,8 triệu USD, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước; có 14 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 44,9 triệu USD, giảm 89,4%. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 358,8 triệu USD, giảm 37,1% so với cùng kỳ năm trước.
Về thu, chi ngân sách Nhà nước, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2022 ước đạt 1.093,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán năm và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế chi ngân sách Nhà nước đạt 842,7 nghìn tỷ đồng, bằng 47,2% dự toán năm và tăng 3,7% so với 7 tháng năm 2021, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Chỉ thị nêu rõ, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm 2021-2025, góp phần triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Chỉ thị yêu cầu nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2023-2025 cần tập trung vào những nội dung trọng tâm.
Cụ thể, Dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2023 phải được xây dựng theo đúng chính sách, chế độ hiện hành, diễn biến phục hồi của nền kinh tế, bảo đảm thu đúng, thu đủ các nguồn thu của ngân sách Nhà nước, đi đôi với nuôi dưỡng nguồn thu. Tập trung phân tích, dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước để đánh giá sát khả năng thực hiện thu ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2023.
Tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; các tác động thu ngân sách gắn với thực hiện các nghĩa vụ của Chính phủ đối với các cam kết với nhà đầu tư nước ngoài đã và đang trình cấp thẩm quyền.
Tiếp tục quyết liệt thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thu; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, nhất là chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, chống chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.
Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2023 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng khoảng 7-9% so với đánh giá ước thực hiện năm 2022 (sau khi loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).
Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2023 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2022.
Toàn bộ số thu sắp xếp lại, xử lý tài sản công (trong đó có nhà, đất), số thu từ cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng và số thu từ khai thác quỹ đất, mặt nước (sau khi trừ đi các chi phí có liên quan) phải được lập dự toán đầy đủ và thực hiện nộp ngân sách Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.
Thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp.
Bảo Thoa
Bình luận